Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
Sáng ngời tư tưởng Hồ Chí Minh về đền ơn đáp nghĩa (26/07/2013)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho thương binh, bệnh binh và thân nhân các liệt sĩ tình cảm và sự quan tâm sâu sắc.

 

Bác dâng hương, đặt vòng hoa trước Tượng đài Liệt sĩ tại thủ đô Hà Nội ngày 31/12/1954. Ảnh tư liệu

Trong tác phẩm Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, Người đã viết: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

Với tình cảm chân thành, lòng biết ơn đối với thương binh, liệt sĩ, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành “Thông cáo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi” như một chính sách của Nhà nước, đồng thời thể hiện sự quan tâm, lòng nhân ái của Người.

Khi được tin con trai bác sỹ Vũ Đình Tụng, Giám đốc Y tế Bắc Bộ, hy sinh, trong thư chia buồn, Bác viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam”.

Năm 1947, trong khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang bước vào giai đoạn quyết liệt, Người đã chỉ thị chọn 1 ngày trong năm làm “Ngày Thương binh”.

Một hội nghị trù bị gồm đại biểu của các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khu và tỉnh đã họp ở Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên nhất trí lấy ngày 27/7 làm “Ngày Thương binh toàn quốc”; đến năm 1955, ngày 27/7 được đổi thành “Ngày Thương binh, liệt sĩ” và được tổ chức hằng năm trên cả nước.

Đối với mỗi người dân Việt Nam, ngày 27/7 là dịp tưởng nhớ và bày tỏ lòng tri ân với các thương binh, thân nhân và gia đình liệt sỹ, những người đã góp một phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng công trạng to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng dạ của toàn dân và non sông đất nước. Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng chí khí dũng cảm của các liệt sĩ đã thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và dân ta trong cuộc kiên quyết đấu tranh đặng giành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong cả nước. Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”.

Bác đã nêu một định nghĩa ngắn gọn, đầy đủ, sâu sắc, thấm được ân tình về thương binh: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt”.

Mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng hằng năm cứ đến ngày 27/7, Bác đều trực tiếp gửi thư, tặng quà, đi thăm các thương binh, gia đình liệt sỹ và viếng các anh hùng liệt sỹ ở nghĩa trang. Người còn trích 1 tháng lương của mình tặng các thương binh. Ngay cả những tặng phẩm của đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài kính tặng, Bác đều tặng lại các thương binh. Người luôn khẳng định ý nghĩa cao cả của ngày 27/7, bởi vì đó là “một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”.

Bác kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất: “Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sỹ bị thương.

Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 đồng)”.

Bác thăm Trại điều dưỡng thương binh tại Bắc Ninh. Ảnh tư liệu

Một lần, Bác đến thăm Trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội. Hôm đó, trời nóng, khi đến thăm anh chị em thương binh nặng phải nằm bất động, Bác vừa hỏi chuyện vừa cầm chiếc quạt giấy của mình quạt cho anh em. Trên đường về, Bác rất xúc động. Chiếc điều hòa nhiệt độ là quà của các đồng chí ở Bộ Ngoại giao đang công tác ở nước ngoài gửi biếu Bác. Lúc đó, Bác đang ở trong ngôi nhà của người thợ điện trong Phủ Toàn quyền. Ngôi nhà do trần thấp nên buổi trưa và buổi chiều rất nóng. Khi các đồng chí phục vụ lắp chiếc điều hoà nhiệt độ vào phòng, Bác không dùng mà nói với đồng chí Vũ Kỳ: “Chiếc máy điều hòa nhiệt độ tốt đấy, các chú có thể đem đến cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước, Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là được rồi”. Ngay chiều hôm đó, chiếc máy điều hoà nhiệt độ trong phòng của Bác được chuyển đi.

Trước lúc đi xa, Người gửi gắm những mong muốn của mình trong Di chúc: “Đầu tiên là công việc với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp đối với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ), người có công với nước mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Nguồn gốc làm nên tư tưởng về sự kính trọng, lòng biết ơn vô bờ bến, sự quan tâm, đền đáp ơn nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công với đất nước chính là chủ nghĩa nhân văn-tình yêu thương con người của Bác. Tình yêu thương con người ở Hồ Chí Minh là tình cảm quý trọng, quan tâm và chăm lo cuộc sống của con người, của nhân dân.

Đến nay, tư tưởng của Bác Hồ kính yêu đối với thương binh, liệt sĩ không chỉ nâng cao nhận thức cho các thế hệ tiếp sau mà còn được phát huy mạnh mẽ trong cuộc sống hằng ngày bằng những công việc cụ thể đối với những người đã “làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

Sáu mươi sáu năm đã qua, từ khi có “Ngày Thương binh-Liệt sĩ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng đến nay, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” theo tấm gương đạo đức của Người đã phát triển sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Phong trào đã và đang tạo luồng sinh khí mới cho sự đồng thuận xã hội, cho đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng một nước Việt Nam giàu đẹp, phồn vinh đúng như mong muốn của Người.

 

(Nguồn: chinhphu.vn)

THÔNG TIN CHO NHÀ ĐẦU TƯ

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website