ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN |
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số: 1835/QĐ-UBND |
|
Phú Yên, ngày 10 tháng
8 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
V/v Ban hành Kế hoạch hành động khắc
phục cơ bản hậu quả chất độc
hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến
tranh giai đoạn 2016 - 2020
trên địa bàn tỉnh Phú Yên
_______________________________________ _________
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;
Căn cứ Quyết định số 651/QĐ-Tg ngày 01/6/2012
của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế họach hành động quốc gia khắc phục cơ
bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm
2015 và định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi
trường (tại Tờ trình số 524/TTr-STNMT
ngày 02/8/2016),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt ban hành Kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học
do Mỹ sử dụng trong chiến tranh giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên
(đính kèm theo Kế hoạch).
Điều 2:
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3:
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động, Thương
binh và xã hội, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tư
pháp, Thông tin và Truyền thông, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh,
Hội nạn nhân chất độc Dacam/Dioxin, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố
và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
|
KT. CHỦ TỊCH |
- Như
điều 3; - Bộ Tài
nguyên và Môi trường; - HĐND
tỉnh; - CT, PCT
UBND tỉnh (Đ/c Hiến); - Các
PCVP UBND tỉnh; - Lưu:
VT, Kh, Dg14.16a |
|
PHÓ CHỦ TỊCH (Đã ký) Nguyễn Chí Hiến |
KẾ HOẠCH
HÀNH ĐỘNG KHẮC PHỤC CƠ
BẢN HẬU QUẢ CHẤT ĐỘC HÓA HỌC
DO MỸ SỬ DỤNG TRONG CHIẾN TRANH GIAI ĐOẠN
2016-2020
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
(Ban hành kèm theo
Quyết định số 1835/QĐ-UBND ngày 10/8/2016
của UBND tỉnh)
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH
ĐỘNG KHẮC PHỤC CƠ BẢN HẬU QUẢ CHẤT ĐỘC HÓA HỌC DO MỸ SỬ DỤNG TRONG CHIẾN TRANH
ĐẾN NĂM 2015:
1. Thực hiện chính sách và chăm sóc sức khỏe
nạn nhân:
a) Thực trạng người nhiễm chất độc hóa học:
Theo số liệu thống kê của Hội nạn
nhân chất độc da cam tỉnh Phú Yên đến tháng 6/2016, toàn tỉnh Phú Yên có 11.568
người bị nhiễm chất độc hóa học, trong đó:
- Người trực tiếp tham gia kháng chiến: 3.167
người;
- Con, cháu của người trực tiếp tham gia kháng
chiến: 1.141 người;
- Người dân: 2.862 người;
- Con, cháu người dân: 4.398 người.
b) Kết quả thực hiện:
- Thực hiện chế độ chi trả trợ cấp cho đối tượng trực tiếp
tham gia kháng chiến và con đẻ của người trực tiếp tham gia kháng chiến bị
nhiễm chất độc hóa học là: 940 người với số tiền gần 1.406 triệu đồng/tháng,
trong đó:
+ Người trực tiếp tham gia kháng chiến: 690 người với mức 1.164
triệu đồng/tháng.
+ Con đẻ người trực tiếp tham gia kháng chiến: 250 người với
242 triệu đồng/tháng.
- Thực hiện chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng cho người
khuyết tật: Thực hiện Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ
về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người
khuyết tật, các địa phương đã tiến hành xác định mức độ khuyết tật cho đối
tượng là người khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh, với kết quả có 19.141 người
khuyết tật, đồng thời hướng dẫn lập thủ tục hồ sơ để thực hiện chi trả trợ cấp
xã hội hàng tháng cho hơn 17.878 đối tượng người khuyết tật, với tổng kinh phí
hàng tháng hơn 6.000 triệu đồng/tháng, trong đó có hơn 1.500 đối tượng bị nhiễm
chất độc hóa học.
- Chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết
tật:
Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh đã cấp cho 15.016 thẻ BHYT
cho người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, ngoài ra còn một số
người khuyết tật nhẹ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thuộc các thôn,
buôn và xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn cũng được cấp thẻ BHYT. Phần lớn thẻ
BHYT của người khuyết tật đều được khám chữa bệnh ban đầu tại Trạm y tế xã, do
đó tạo điều kiện cho người khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Ngoài
Trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh thông qua thẻ BHYT, Ngành y tế đã giao
Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh làm đầu mối thực hiện công tác chăm sóc sức
khỏe và phục hồi chức năng cho người khuyết tật (hàng năm, có hơn 600 người
khuyết tật được chăm sóc và phục hồi chức năng tại Bệnh viện).
Theo đó toàn tỉnh hiện có 1.550 người khuyết tật
được theo dõi phục hồi chức năng tại nhà và 560 người khuyết tật tiến bộ hòa
nhập cộng đồng. Đây là một mô hình rất có hiệu quả và thiết thực, giúp cho các
đối tượng không phải đến các Trung tâm chữa bệnh mà có thể tập luyện và chữa
bệnh tại nhà dưới sự giúp đỡ của cộng tác viên và người thân.
Ngoài ra, tổ chức đưa đối tượng tàn tật đến khám và phục hồi
chức năng miễn phí cho 502 đối tượng tại Bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức
năng Quy Nhơn; tổ chức mổ đục thủy tinh thể cho 10.129 người khiếm thị, với
tổng kinh phí thực hiện hơn 48.239 triệu đồng.
Tiến hành vận động và trao tặng 1.350 chiếc xe
lăn, xe lắc và 60 chiếc xe đạp trị giá 6.820 triệu đồng cho người khuyết tật
trên địa bàn tỉnh; tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài
nước, tổ chức khám sàn lọc và tiến hành mổ tim miễn phí cho 240 trẻ em bị tật tim bẩm sinh, với tổng kinh phí hỗ trợ
hơn 13.637 triệu đồng.
- Tăng cường năng lực và cơ sở vật chất cho Trung tâm nuôi
dưỡng người có công và bảo trợ xã hội:
Trung tâm nuôi dưỡng người có công và bảo trợ
xã hội đang trực tiếp nuôi dưỡng 79 đối tượng người có công và bảo trợ xã hội,
trong đó: 08 đối tượng là người có công với cách mạng (trong đó có 02 người bị
nhiễm CĐHH); 35 đối tượng là người cao tuổi, 17 đối tượng là trẻ em khuyết tật
bị bỏ rơi, 19 đối tượng là người tâm thần.
Nhằm nâng cao về năng lực và cơ sở vật chất cho Trung tâm
nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hội, để đảm bảo việc tiếp nhận, chăm
sóc, nuôi dưỡng nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học. Năm 2014, 2015 Trung tâm
nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hội đã được đầu tư xây dựng nâng cấp khu
nuôi dưỡng cho các đối tượng xã hội giai đoạn 01, tổng kinh phí thực hiện gần
6.509 triệu đồng, trong đó kinh phí trung ương hỗ trợ: 1.000 triệu đồng; đồng
thời từ tháng 7/2013 đến nay, Trung tâm nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã
hội đã cử 14 cán bộ đi đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ
nhằm tăng cường năng lực đảm bảo việc tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối
tượng xã hội.
c) Tồn tại, khó khăn:
- Nguồn kinh phí thực hiện tổng điều tra tình hình nạn nhân
bị nhiễm chất độc hóa học, xây dựng và thực hiện dự án phục hồi chức năng dựa
vào cộng đồng cho người bị nhiễm chất độc hóa học đến nay chưa được phân bổ,
đồng thời tiêu chí và bộ công cụ điều tra hiện nay các bộ ngành chưa ban hành,
nên công tác điều tra và xây dựng đề án chưa được triển khai thực hiện.
- Chưa thống kê, theo dõi và quản lý thai nghén đối với thai
phụ tại các vùng ô nhiễm nặng và nạn nhân chất độc hóa học do thiếu nguồn kinh
phí.
- Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 02 đề
án: Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020; Đề án trợ giúp xã hội
và phục hồi chức năng cho người tâm thần giai đoạn 2012-2020 và thực hiện các
chính sách theo Nghị định số 101/2013/NĐ-CP và Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của
Chính phủ nên cơ bản các đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học đều được trợ giúp
xã hội.
2. Công tác
điều tra các vùng bị nhiễm chất độc hóa học:
- Năm 2006 -
2008, đã tổ chức điều tra khảo sát phân vùng ô nhiễm và lập bản đồ khu vực bị
nhiễm chất độc hóa học cần xử lý, đó là: Vùng núi Dài, núi Bằng Đồng Nội, núi
Cổ Tất và dọc phía Bắc sông Kỳ Lộ thuộc xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân; Núi
Saleo thuộc xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa; Núi Chai thuộc xã Hòa Tân Tây,
huyện Tây Hòa.
Tuy nhiên, do không
có kinh phí nên chưa tiến hành xử lý được các vùng bị nhiễm chất độc hóa học
này.
- Năm 2008, đã tiến hành điều tra
cộng đồng về khu vực bị nhiễm chất độc hóa học tại huyện Đông Hòa và huyện Đồng
Xuân, qua đó kết quả ghi nhận được từ đợt khảo sát có thể thấy rằng dioxin do
Mỹ rải xuống địa phương có ảnh hưởng lớn đến hệ động - thực vật, nguồn đất,
nước và đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Hiện nay hệ động - thực vật
và môi trường đất, nước đã có dấu hiệu hồi phục trở lại nhưng ở một số nơi vẫn
còn chất độc Da cam/dioxin có thể quan sát bằng mắt thường. Điều này đe dọa ảnh
hưởng đến môi trường sống, sức khỏe người dân.
Tuy nhiên, do kinh phí
và thời gian có hạn nên công tác điều tra chỉ mới tiến hành trên địa bàn của 02
xã của 02 huyện (Đồng Xuân và Đông Hòa) và số liệu chỉ dựa vào kết quả điều tra
xã hội học, nên các kết quả đã điều tra chưa đủ chứng cứ khoa học để kết luận
các nạn nhân bị các dị tật, dị dạng…là do nhiễm chất độc Da cam/dioxin. Để có
kết luận khách quan, mang tính khoa học thì cần thiết tiến hành lấy và phân
tích các mẫu đất, nước, bùn, thực vật, mỡ - máu động vật… để xác định hàm lượng
tồn dư dioxin. Từ đó có cơ sở xác định nguyên nhân các dị tật, dị dạng…
3.
Công tác phục hồi diện tích rừng tại các khu vực bị nhiễm chất độc hóa học:
Đến năm 2015, cơ bản các vùng bị rải chất
độc đều được khắc phục môi trường và trồng rừng cụ thể như sau:
- Khu vực Hòn Đác ở các xã: Sơn Long, Sơn Định, Sơn Hội,
huyện Sơn Hòa đã trồng rừng khoản 400ha, trong đó: Ban Quản lý rừng phòng hộ
Sơn Hòa 130ha; Công ty Lâm Đặc Sản (nay là Công ty TNHH Loan Thu) 70ha; hộ gia
đình 200ha; cây trồng chủ yếu là các loài Keo…
- Khu vực Hà Đan và khu Bốn Tiếng, xã Phú Mỡ, huyện Đồng
Xuân đã trồng rừng khoản 1.220ha, trong đó: Công ty CP Trường Thành Xanh 1.000ha;
Dự án JICA2: 220ha.
- Khu vực Hòn Ông La, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa đã
trồng rừng khoản 700ha, trong đó: Doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu: 456ha; Công ty
CP Trường Thành Xanh 134ha; hộ gia đình 110ha; cây trồng chủ yếu là các loài
Keo…
Ngoài ra, hàng năm từ nguồn ngân sách Nhà nước, vốn ODA và
kinh phí tự có, các tổ chức Nhà nước, Doanh nghiệp, hộ gia đình cũng đã triển
khai trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, trồng rừng ở các trảng
thanh, đất dốc, trồng rừng ven biển…khoảng trên 4.000ha mỗi năm. Cây trồng chủ
yếu các loài Keo…cho trồng rừng sản xuất và cây bản địa Sao, Dầu…cho trồng rừng
phòng hộ.
4. Công tác
thông tin - truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng:
Hàng năm tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan
thực hiện tốt công tác truyền thông nhằm tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp
nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; về tác hại, hậu quả
của chất độc hóa học với con người và môi trường, góp phần nâng cao nhận thức,
trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân về công tác giải quyết hậu quả chất
độc hóa học. Kết quả đạt được, cụ thể như sau:
a) Sở Thông tin và Truyền thông:
- Hướng dẫn các cơ quan truyền thông xây dựng
các chuyên mục, chuyên đề, câu chuyện truyền thanh, các tin, bài phóng sự,
phỏng vấn, ghi danh, cập nhật các tin bài trên mạng thông tin điện tử,…Đẩy mạnh
công tác thông tin truyền thông, giáo dục ở các xã, phường, thị trấn, nhất là
khu vực nhiễm chất độc hóa học tại địa phương.
- Chỉ đạo Ban biên tập trang tin điện tử
tổng hợp “Phú Yên, đất nước và con người” tăng cường đưa tin, bài tuyên truyền,
cập nhật đăng tin, bài viết, hình ảnh khắc phục cơ bản hậu quả của chất độc hóa
học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở địa phương và thân thân của những người
đã hy sinh, nạn nhân bị ảnh hưởng do chất độc hóa học; Tuyên truyền công tác xã
hội hóa khắc phục hậu quả sau chiến tranh tôn vinh những liệt sỹ đã hi sinh
trong thực hiện nhiệm vụ, những người có công với công tác khắc phục hậu quả
chiến tranh do chất độc hóa học.
b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Đã phối hợp với Trung tâm giám định y khoa tỉnh tổ chức tập huấn
cho 03 lớp với đối tượng là Chủ tịch, Trạm trưởng y tế và công chức phụ trách
lao động, thương binh và xã hội các xã, phường, thị trấn với hơn 350 người tham
dự về xác định mức độ khuyết tật và triển khai thực hiện Nghị định số
28/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
c) Hội nạn nhân chất độc Dacam/Dioxin:
Xây dựng bản tin Dacam hàng tháng và phối hợp với Đài phát thanh địa phương
dành thời lượng mỗi tuần 10 phút để tuyên truyền chủ trương, chính sách của
Đảng và Nhà nước cho nhân dân hiểu rõ hơn về nguy hại của chất độc Dacam và sự
quan tâm chăm sóc, hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân Dacam trên lĩnh vực hoạt động “Xã
hội - Nhân đạo - Từ thiện”. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền kết hợp với các
hoạt động thiết thực ủng hộ nạn nhân chất độc Dacam như quyên góp ủng hộ, thăm,
hỏi, động viên nạn nhân, khảo sát tình hình nạn nhân nhất là tuyên truyền kỷ
niệm ngày vì nạn nhân chất độc Dacam 10/8 hàng năm.
II. KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG KHẮC PHỤC CƠ BẢN HẬU QUẢ CHẤT ĐỘC HÓA HỌC DO MỸ SỬ DỤNG TRONG
CHIẾN TRANH GIAI ĐOẠN 2016-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN:
a) Mục tiêu:
- Mục tiêu
tổng quát: Khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh
đối với môi trường và con người ở tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016 - 2020.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Điều tra các vùng bị nhiễm chất độc hóa học do
Mỹ rải xuống trên địa bàn tỉnh Phú Yên vào năm 1965-1970;
+ Điều tra các nạn nhân bị nhiễm và ảnh hưởng
di chứng do chất độc chiến tranh gây ra;
+ Phục hồi diện tích rừng trên vùng đất bị ảnh
hưởng bởi chất độc hóa học;
+ 100% người tham gia kháng chiến và con cháu
của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công;
+ Các hộ gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó
khăn được trợ cấp đời sống và bảo hiểm y tế, trong đó có 100% hộ gia đình có từ
02 người tàn tật nặng trở lên;
+ Quản lý thai nghén cho trên 95% thai phụ tại
các vùng ô nhiễm nặng và nạn nhân chất độc hóa học;
+ Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng
đồng trong việc tham gia nghiên cứu và khắc phục hậu quả chất độc hóa học;
b) Phạm vi thực hiện:
Mọi đối tượng (con người và tài nguyên, môi
trường) bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học trong toàn địa
bàn tỉnh Phú Yên.
2.
Hành động và đề xuất:
a) Đối với môi trường và tài nguyên:
- Điều tra toàn diện các khu vực bị nhiễm chất
độc hóa học, từ đó đánh giá được mức thiệt hại tài nguyên và môi trường do chất độc
hóa học;
- Tiến hành xử lý cơ bản các khu vực bị nhiễm
chất độc hóa học.
b) Đối với con người:
- Đánh giá
hậu quả tiềm tàng và lâu dài của chất độc hóa học đối
với sức khỏe con người;
- Xây dựng chương trình và kế hoạch kiểm tra
sức khỏe và bệnh tật của nạn nhân chất độc hóa học tại các vùng bị ô nhiễm
nặng và những vùng đã bị phun rải chất độc hóa học nhiều lần trong thời
gian chiến tranh;
- Triển khai các chính sách và chế độ trợ giúp
nạn nhân chất độc hóa học là những người tham gia kháng chiến và con cháu của người tham
gia kháng chiến họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có
công;
- Trợ cấp và có chế độ bảo hiểm y tế cho các
gia đình nạn nhân chất độc hóa học có hoàn cảnh khó khăn và có nhiều người bị
bệnh/tật nặng;
- Tổng điều tra số lượng nạn nhân chất độc
hóa học trên
địa bàn tỉnh;
- Tăng cường năng lực và xây dựng các cơ sở bảo trợ xã hội
hoặc lồng ghép vào các cơ sở khám chữa bệnh để đảm bảo tiếp nhận, chăm sóc,
nuôi dưỡng nạn nhân chất độc hóa học;
-
Tăng cường năng lực và cơ sở vật chất cho các cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi
chức năng, giải độc, tư vấn sinh sản và di truyền, chẩn đoán dị tật bẩm sinh
trước và sau khi sinh cho các nạn nhân bị nhiễm, ảnh hưởng chất độc hóa học;
-
Củng cố và phát triển Hội nạn nhân chất độc Dacam/Dioxin từ tỉnh đến cơ sở; vận
động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ủng hộ cho nạn nhân chất độc hóa học về vật chất và tinh
thần để cải thiện đời sống và khám chữa bệnh.
c) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia của
các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước:
-
Thực hiện các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của
cộng đồng trong việc tham gia nghiên cứu và khắc phục hậu quả chất độc hóa học;
- Tăng cường vận động các tổ chức quốc tế, các
tổ chức Chính phủ và phi chính phủ nước ngoài tham gia nghiên cứu và khắc phục
hậu quả chất độc hóa học.
3. Tổ chức thực hiện:
a) Phân công trách nhiệm:
* Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Tổ chức điều tra
tình hình nạn nhân bị nhiễm chất
độc hóa học;
- Tăng cường năng lực và cơ sở vật chất cho Trung tâm nuôi dưỡng người có
công và Bảo trợ xã hội, để đảm bảo việc tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng nạn
nhân bị nhiễm chất độc hóa học;
- Xây dựng và thực hiện dự án phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho
người bị nhiễm chất độc hóa học.
* Sở Y tế:
- Xây dựng kế hoạch, triển khai kế hoạch chữa trị và chăm sóc sức khỏe và
điều trị bệnh/tật cho nạn nhân chất
độc hóa học;
- Xây dựng và thực hiện chương trình tư vấn sinh sản, giải độc và phục hồi
chức năng cho nạn nhân chất độc
hóa học.
* Sở Tài nguyên
và Môi trường:
- Tổ chức điều tra
toàn diện các khu vực bị nhiễm chất độc hóa học;
- Tổ chức xử lý ô
nhiễm đối với khu vực nhiễm chất
độc hóa học.
* Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn: Phục hồi môi trường và trồng rừng tại các vùng bị nhiễm chất độc hóa học.
* Sở Thông tin và Truyền
thông:
- Chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách
nhiệm của toàn xã hội đối với việc khắc phục hậu quả chất độc
hóa học;
- Chỉ đạo xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về hậu quả chất độc
hóa học.
* Sở Khoa học và Công nghệ: Hướng dẫn các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện
nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và nâng cao năng lực nghiên cứu về chất độc
hóa học.
* Sở Tư pháp: Nghiên cứu, đề xuất cơ sở pháp lý để yêu cầu
Chính phủ Mỹ và các Công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất chất độc
hóa học có trách nhiệm khắc phục hậu quả chất độc
hóa học ở tỉnh Phú Yên.
* Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu phân bổ ngân sách, các nguồn tài trợ
và giao kế hoạch cho các Chương trình và dự án liên quan đến Kế hoạch hành
động.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai các nhiệm vụ hoặc dự án
trong Kế hoạch hành động.
* Sở Tài Chính:
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành liên quan phân bổ
nguồn lực, điều phối kinh phí chung và các nguồn tài trợ cho Kế hoạch hành
động;
- Hướng dẫn việc sử dụng kinh phí cho các họat động khắc phục hậu quả chất độc
hóa học.
* Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh: Cung cấp các thông tin liên quan phục vụ công tác điều tra, hỗ trợ về
mặt kỹ thuật trong Chương trình xử lý các khu vực bị nhiễm chất độc hóa học.
* Hội nạn nhân
chât độc Dacam/Dioxin Phú Yên:
- Phối hợp với các sở,
ngành điều tra toàn diện các khu vực bị nhiễm chất độc hóa học và đề xuất biện
pháp xử lý;
- Phối hợp với các sở,
ngành điều tra nạn nhân bị nhiễm chất
độc hóa học.
* UBND các huyện, thị xã và thành phố:
- Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế họach hàng năm về khắc phục
hậu quả chất độc hóa học tại địa phương phù
hợp với Kế họach này và kế họach phát triển kinh tế xã hội của địa phương;
- Lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này với các Chương trình,
đề án và kế hoạch khác có liên quan của địa phương, thường xuyên kiểm tra việc
thực hiện kế hoạch tại địa phương; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, hàng năm
việc thực hiện kế họach của địa phương theo quy định.
* Các tổ chức
chính trị, xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng: Khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, các đòan thể quần chúnh, các
tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng tham gia vào các họat động
khắc phục hậu quả chất độc hóa
học.
* Các cơ quan thông tin đại chúng (Đài truyền hình, Đài tiếng nói Việt
Nam, Báo Phú Yên...): Xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về khắc phục hậu quả chất độc
hóa học đối với môi trường và con người ở tỉnh Phú
Yên.
b) Cơ chế tài chính và vốn đầu tư:
- Nhà nước đảm bảo các nguồn lực cần thiết,
đồng thời vận động sự đóng góp của cộng đồng trong và ngoài nước; tạo môi
trường thuận lợi để thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức
chính trị - xã hội, các tổ chức từ thiện - nhân đạo, các tổ chức quốc tế, các
tổ chức chính phủ và phi chính phủ nước ngoài tham gia thực hiện Kế hoạch hành
động.
- Việc lập, phân bổ, quyết định giao dự toán;
quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí Kế hoạch hành động thực hiện theo quy
định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Các sở, ban, ngành và UBND các huyện căn cứ
vào nhiệm vụ được giao có trách nhiệm lập dự án và dự toán kinh phí trình cơ
quan có thẩm quyền. Đối với các đề tài nghiên cứu khoa học tổng hợp vào kế hoạch
khoa học và công nghệ của sở, ban, ngành, UBND các huyện và thực hiện theo
hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Tài chính; đối với các dự án thuộc
nguồn vốn đầu tư phát triển, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
và Bộ Tài chính; đối với dự án bố trí từ nguồn sự nghiệp môi trường được lồng
ghép chung vào kế hoạch bảo vệ môi trường, địa phương và thực hiện theo quy
định của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
c) Chế độ báo cáo: Các sở, ban, ngành và UBND
các huyện, thị xã và thành phố có trách nhiệm định kỳ hàng năm (trước ngày 31/11)
báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động về UBND tỉnh (thông qua Sở Tài
nguyên và Môi trường) để tổng hợp, báo cáo Văn phòng Ban chỉ đạo 33-Bộ Tài
nguyên và Môi trường./.
_______________________________________
_________