Thông tin cho báo chí
Đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016-2020 (23/08/2016)

ỦY BAN NHÂN DÂN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỈNH PHÚ YÊN

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số:  119/KH-UBND

                 Phú Yên, ngày  12  tháng 8  năm 2016

 

KẾ HOẠCH

Thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy

về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng

của tỉnh giai đoạn 2016-2020

 


Căn cứ Quyết định số 2350/QĐ-TTg ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của HĐND tỉnh (Khóa VI) về phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011 -2015 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 128/QĐ-UBND, ngày 19/01/2012 của UBND tỉnh về phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025;

Thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016-2020; UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Nhằm tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của HĐND tỉnh (Khóa VI) về phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025;

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phối hợp đồng bộ của các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư góp phần phát triển du lịch tỉnh;

- Khai thác và phát huy lợi thế về tài nguyên du lịch biển, đảo, đầm, vịnh, rừng núi và nét văn hóa đặc trưng của Phú Yên để phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái gắn với phát huy giá trị văn hóa bản địa và bảo vệ môi trường sinh thái;

- Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo quy hoạch, kế hoạch đã đề ra đảm bảo nguồn lực để thực hiện tạo đột phá theo hướng phát triển nhanh và bền vững, tránh đầu tư dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ...; chú trọng khai thác mọi nguồn lực trong và ngoài nước, phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế và của cộng đồng.

II. NỘI DUNG

1. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu

1.1. Mục tiêu

- Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tạo động lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp.

- Từng bước xây dựng thương hiệu du lịch: “Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”.

1.2. Các chỉ tiêu chủ yếu

- Lượt khách du lịch tăng bình quân trên 17 %/năm, trong đó khách quốc tế tăng trên 60%/năm. Phấn đấu trong 5 năm thu hút hơn 7.000.000 lượt khách du lịch đến tỉnh, trong đó khoảng 1.000.000 lượt khách quốc tế. Đến năm 2020, tiếp đón hơn 2.000.000 lượt khách, trong đó có khoảng 490.000 lượt khách quốc tế. Ngày lưu trú bình quân từ khoảng từ 1,8 - 2,5 ngày.

- Thu nhập du lịch tăng bình quân trên 29,5%/năm. Đến năm 2020 đạt khoảng 3.100 tỷ đồng. Chi tiêu bình quân khách quốc tế: 65 - 70 USD/người/ngày, khách nội địa: 43 - 45 USD/người/ngày.

- Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch: Đến năm 2020, có trên 250 cơ sở lưu trú du lịch với 5.800 buồng, trong đó có khoảng 12 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao, công suất sử dụng buồng trung bình năm đạt 50 - 60%.

- Nguồn nhân lực du lịch: Đến năm 2020, số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch khoảng 8.000 người, tăng bình quân 17%/năm; bảo đảm có từ 70 - 80 % lao động được bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ chuyên ngành.

2. Nhiệm vụ

2.1. Tập trung lập quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng làm cơ sở kêu gọi đầu tư phát triển du lịch

- Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện các Chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch của Việt Nam, phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; các chương trình hành động, Nghị quyết, Quyết định của tỉnh về quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch.

- Phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài trong năm 2016, làm cơ sở xúc tiến đầu tư.

- Nghiên cứu các đề tài khoa học làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch: Xây dựng Đề án Công viên địa chất tại khu vực gành Đá Đĩa; Triển khai cụ thể các đề tài khoa học thuộc lĩnh vực văn hóa, du lịch đã được phê duyệt làm cơ sở xúc tiến đầu tư sản phẩm du lịch và quảng bá thu hút khách.

- Điều chỉnh quy hoạch hai bên đường Độc Lập, đường Lê Duẩn (TP.Tuy Hòa) và đầu tư hạ tầng công viên văn hóa du lịch bãi biển Tuy Hòa để hình thành khu du lịch biển Tuy Hòa (theo tiêu chí khu du lịch địa phương của Luật Du lịch).

- Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, Hầm đường bộ Đèo Cù Mông; đẩy nhanh tiến độ nâng cấp Quốc lộ 25, Quốc lộ 29; kiến nghị tăng tần suất bay các chuyến bay từ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đến Phú Yên, mở thêm các tuyến bay mới từ Phú Yên đi Cần Thơ, Đà Nẵng và hướng tới một số nước; đề xuất cải tạo, nâng cấp ga đường sắt Tuy Hoà.

- Tập trung đầu tư trục giao thông ven biển, đoạn Bắc cầu An Hải đến Quốc lộ 1 (tại Gành Đỏ); đầu tư nâng cấp tuyến đường từ Quốc lộ 1 đến bãi biển Từ Nham; từ Quốc lộ 1 đến Nhất Tự Sơn; Quốc lộ 1 đến Vũng La; đường nối từ tuyến đường động lực ven biển đến Bãi Bàng (bãi biển phía Nam gành Đá Đĩa); tuyến đường bộ từ gành Đá Đĩa đến gành Đèn; tuyến đường bộ đi phía đông gành Đá Đĩa, cải tạo đường đi bộ lên đỉnh núi Đá Bia; tuyến đường nối Quốc lộ 19C đi khu vực suối nước nóng Triêm Đức, huyện Đồng Xuân; tuyến đường quanh vịnh Xuân Đài để hình thành khu du lịch quốc gia. Huy động nhiều nguồn vốn đầu tư nâng cấp các tuyến đường đến các khu di tích, danh thắng mang nét độc đáo riêng và một số tuyến đường đến các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch nhưng hạ tầng giao thông chưa phát triển như: Long Thủy, Phú Thường, Bãi Bàng, Bãi Ôm, Từ Nham, Bãi Nồm…

- Xúc tiến, kêu gọi đầu tư xây dựng bến tàu du lịch, cầu phao nổi tại khu vực vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, sông Chùa, Vũng Rô, hòn Lao Mái N, hòn Chùa, hòn Nưađể phát triển du lịch biển đảo; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cảnh quan tại khu vực bãi biển TP.Tuy Hòa; hạ tầng trạm dừng xe du lịch trên Quốc lộ 1D (tại xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu); trạm dừng xe trên Quốc lộ 1 (tại xã An Chấn) và tại xã Hòa Xuân Nam với hình thức đầu tư phù hợp.

- Lập danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư du lịch ngoài ngân sách giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung kêu gọi các dự án đầu tư sản phẩm du lịch cao cấp (du lịch tàu biển, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch golf, vui chơi có thưởng…); khu vui chơi giải trí và các dịch vụ du lịch tắm biển, thể thao trên biển, trên cát… tại các khu vực ven vịnh Xuân Đài, bãi biển Từ Nham, đầm Cù Mông, bãi biển Bình Sa - An Bình Thạnh (thị xã Sông Cầu); bãi biển An Hải, đầm Ô Loan, bãi biển Phú Thường - hòn Yến, (huyện Tuy An), bãi biển Tuy Hòa, núi Nhạn, núi Chóp Chài (TP. Tuy Hòa), Vũng Rô, các đảo: hòn Lao Mái Nhà; hòn Nưa, hòn Chùa; khu vực Cao nguyên Vân Hòa, hồ Trung tâm thị trấn Hai Riêng; các khu du lịch tắm khoáng bùn, nghỉ dưỡng và trị liệu tại khu nước khoáng Phú Sen, Lạc Sanh, Triêm Đức… Ưu tiên kêu gọi đầu tư, hỗ trợ đầu tư tại khu danh thắng gành Đá Đĩa - Bãi Bàng thành Khu du lịch gắn với di sản văn hóa Đá để làm điểm nhấn thu hút khách và kích thích đầu tư phát triển các khu vực khác.

- Tạo điều kiện nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, thông báo cho phép lập dự án đầu tư; kịp thời rà soát và kiên quyết thu hồi những dự án không triển khai để cấp cho nhà đầu tư khác có tiềm lực mạnh, có tâm huyết và có thị trường du lịch ổn định.

2.2. Đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất thiết yếu tại các khu di tích, điểm du lịch

- Đối với các di tích đã được công nhận di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, theo phân cấp quản lý, tiến hành khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc ranh giới, lập quy hoạch chi tiết phân khu chức năng, đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống điện nước, nhà vệ sinh đạt chuẩn, bãi đậu xe để kêu gọi thu hút đầu tư các dịch vụ tại các di tích danh thắng.

- Tiếp tục đầu tư hệ thống wifi công cộng, điện, nước, trồng cây xanh, nâng cấp nhà vệ sinh để đạt chuẩn phục vụ du lịch tại một số khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh: khu di tích gành Đá Đĩa, Khu di tích Tàu Không số Vũng Rô, núi Nhạn, Khu Di tích Nhà thờ Bác Hồ, Khu di tích địa đạo Gò Thì Thùng…

- Lập quy hoạch và đầu tư hạ tầng thiết yếu để hình thành khu ẩm thực tại đường Bạch Đằng, biển Tuy Hòa (TP. Tuy Hòa), khu ẩm thực đầm Ô Loan, khu vực cầu An Hải (huyện Tuy An), khu ẩm thực vịnh Xuân Đài tại sông Tam Giang và xung quanh vịnh Xuân Đài, khu ẩm thực đầm Cù Mông tại cầu Bình Phú - đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu); khu ẩm thực Vũng Rô (huyện Đông Hòa)… để làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, bán hàng lưu niệm.

2.3. Thực hiện các chương trình, dự án đầu tư để hình thành và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu; hình thành một số sản phẩm mang tính đặc trưng của Phú Yên

- Huy động nhiều nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu, hình thành một số sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của Phú Yên tại gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, Hải Đăng nằm trên Mũi Đại Lãnh, Đèo Cả - Vũng Rô, Tháp Nhạn - núi Nhạn, núi Chóp Chài, vịnh Xuân Đài… và gắn liền với những địa danh này là những lễ hội, làng nghề, ẩm thực đặc trưng.

- Hỗ trợ đầu tư các điểm tham quan du lịch làng nghề và các phòng trưng bày gắn với khu, điểm du lịch, làng nghề; khuyến khích sản xuất những mặt hàng lưu niệm, đặc sản của địa phương có thương hiệu, tiện lợi trong việc giới thiệu và mua sắm của khách du lịch. Đầu tư hình thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng tại làng rau Ngọc Lãng, điểm du lịch văn hóa cộng đồng tại thôn Xí Thoại, buôn Lê Diêm, buôn Hòa Ngãi; điểm du lịch tâm linh Chùa Từ Quang, chùa Thanh Lương, Nhà thờ Mằng Lăng và các chùa khu vực núi Chóp Chài; hỗ trợ tổ chức thí điểm một số loại hình du lịch có thế mạnh của địa phương gắn kết với điểm đến du lịch vùng đất “hoa vàng cỏ xanh”; lựa chọn một số địa điểm để trồng hoa vàng, cỏ xanh phục vụ khách du lịch tham quan.

- Đầu tư xây dựng điểm du lịch văn hoá tại các khu di tích, khu, điểm du lịch gắn với hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian như: Hò bá trạo, dân ca bài chòi, hò khoan, hát tuồng, hô bài chòi; biểu diễn nhạc cụ dân tộc: đàn đá, trống đôi - cồng ba - chiêng năm…; nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống đặc trưng như: Hội thơ Nguyên Tiêu núi Nhạn, Lễ hội Cầu Ngư, Hội đua ngựa gò Thì Thùng...; phát triển các loại hình du lịch tâm linh, du lịch thể thao trên biển, trên cát…

- Thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng TP. Tuy Hòa trở thành đô thị xanh, sạch, đẹp, thân thiện và từng bước hiện đại, là điểm đến trên tuyến hành trình du lịch Bắc - Nam và là trung tâm điều chuyển khách đến các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.

2.4. Đầu tư hình thành các khu, tuyến, điểm du lịch địa phương (theo Luật Du lịch) và kết nối hình thành các tuyến du lịch với địa phương khác

- Tiếp tục quảng bá và đầu tư khai thác có hiệu quả các tuyến du lịch và các điểm du lịch địa phương đã được công nhận: Tuyến du lịch phía Bắc (Tháp Nhạn - đầm Ô Loan - Khu di tích thành An Thổ - Nhà thờ Mằng Lăng - gành Đá Đĩa); tuyến du lịch phía Nam (Tháp Nhạn - Bãi Môn - Mũi Điện - Vũng Rô - núi Đá Bia).

- Tiếp tục đầu tư hạ tầng, kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ để hình thành một số tuyến du lịch địa phương:

+ Tuyến du lịch Tuy Hòa - Sông Cầu. Dự kiến các điểm dừng chân: Đền thờ Lê Thành Phương - thành An Thổ - chùa Đá Trắng - làng nghề nước mắm Gành Đỏ - vịnh Xuân Đài - khu ẩm thực đầm Cù Mông...;

+ Tuyến du lịch Tuy Hòa - Sông Hinh. Dự kiến các điểm dừng chân: Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh - Khu nước khoáng nóng Phú Sen - đập Đồng Cam - Điểm du lịch văn hóa cộng đồng buôn Lê Diêm - khu Ẩm thực hồ trung tâm thị trấn Hai Riêng - thủy điện Sông Hinh - thủy điện sông Ba Hạ…;

+ Tuyến du lịch Tuy Hòa - Sơn Hòa - Đồng Xuân. Dự kiến các điểm dừng chân: Làng nghề bánh tráng Hòa Đa - Khu di tích Nhà thờ Bác Hồ và căn cứ tỉnh Phú Yên trong kháng chiến - Điểm du lịch văn hóa cộng đồng buôn Hòa Ngãi - địa đạo Gò Thì Thùng - suối nước khoáng Triêm Đức, Trà Ô - Khu di tích Nơi thành lập Chi bộ Đảng các đầu tiên ở Phú Yên, điểm du lịch văn hóa cộng đồng buôn Xí Thoại…;

+ Tuyến du lịch đường thủy: vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan; hòn Lao Mái Nhà - hòn Chùa - hòn Yến; Vũng Rô - hòn Nưa - Bãi Môn - Mũi Điện; tuyến du lịch trên sông Chùa, sông Tam Giang… gắn với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian;

- Tuyến du lịch theo chuyên đề: khám phá biển đảo, lặn ngắm san hô; tham quan các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể về đá; du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch bằng đi xe đạp, xe ngựa tham quan làng quê Phú Yên..;

- Chủ động liên kết với các tỉnh trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để xây dựng các tuyến nối liền giữa miền biển, đảo với các tỉnh Tây Nguyên; kết nối tour với các địa phương khác như Khánh Hoà, Bình Định; liên kết với  các đơn vị lữ hành ở hai trung tâm có nguồn khách du lịch lớn là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh để đưa khách về Phú Yên.

- Hình thành các tuyến du lịch liên tỉnh, vùng: Tuyến đường bộ kết hợp đường hàng không: Phú Yên - Đắc Lắc - Gia Lai - Kon Tum - Bình Định; Phú Yên - Khánh Hòa; Phú Yên - Bình Định; Tuyến đường biển: Hải Phòng - Đà Nẵng - vịnh Xuân Đài - Vũng Rô - Nha Trang…; Tuyến hàng không: Hà Nội - Phú Yên - TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội - Đà Nẵng - Phú Yên - TP.Hồ Chí Minh…

- Khuyến khích phát triển lữ hành quốc tế, đa dạng các hình thức du lịch lữ hành nội địa; liên kết, mở rộng mối quan hệ với các tổ chức kinh tế, các đại lý du lịch nhằm thu hút khách về Phú Yên.

2.5. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, xây dựng thương hiệu “Phú Yên - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”

- Xây dựng Chiến lược marketing du lịch Phú Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; đẩy mạnh quảng bá Phú Yên trên các phương tiện thông tin truyền thông trong và ngoài nước; quảng bá trực quan tại khu vực trung tâm nhà ga, sân bay, trên phương tiện giao thông công cộng…

- Thường xuyên tổ chức các đoàn doanh nghiệp lữ hành, đoàn báo chí trong và ngoài nước về Phú Yên khảo sát sản phẩm du lịch, quảng bá điểm đến nhằm thu hút khách đến Phú Yên.

- Phát hành các ấn phẩm, tài liệu quảng bá du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó chú trọng quảng bá, xúc tiến trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội, Internet…; nâng cấp website du lịch Phú Yên.

- Xây dựng chương trình xúc tiến, quảng bá trên các phương tiện truyền thông; xây dựng chuyên mục du lịch Phú Yên trên Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên, Báo Phú Yên, Báo Phú Yên điện tử, Tạp chí Du lịch…; tăng cường công tác quảng bá du lịch trực quan tại sân bay, nhà ga, bến tàu và tại các của ngõ vào TP.Tuy Hòa.

- Thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn chuyên đề về xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch; tích cực tổ chức và tham gia các sự kiện du lịch, văn hóa và thể thao lớn trong và ngoài nước; liên kết xây dựng thương hiệu và xúc tiến quảng bá điểm đến tại các thị trường du lịch có tiềm năng trong nước và nước ngoài; xây dựng cac kiot thông tin du lịch để hỗ trợ du khách.

- Tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, gặp mặt đại sứ, tham tán nước ngoài… để quảng bá, kêu gọi đầu tư nước ngoài, đồng thời tranh thủ kêu gọi nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); vốn của các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực...

- Nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan xúc tiến đầu tư, thông tin xúc tiến, quảng bá du lịch với sự tham gia tích cực của Hiệp hội du lịch Phú Yên và các doanh nghiệp; ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch.

2.6. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

- Điều tra, đánh giá nguồn nhân lực du lịch của tỉnh hiện nay và xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực du lịch của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và dành kinh phí thỏa đáng từ ngân sách tỉnh, cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

- Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời thu hút nguồn nhân lực bên ngoài, nhất là sinh viên tốt nghiệp các trường du lịch có chuyên môn, tay nghề giỏi về nghiệp vụ chuyên ngành lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp, an ninh khách sạn; chú trọng hình thành đội ngũ lực lượng thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch người địa phương; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng.

- Tạo điều kiện để các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh liên kết với các trường đào tạo chuyên ngành du lịch tổ chức các lớp đào tạo cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ chuyên ngành du lịch có chất lượng cao.

- Tăng cường công tác đào tạo cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch cấp tỉnh, huyện; bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành du lịch (kể cả cho học tập, tu nghiệp ở nước ngoài).

3. Giải pháp

3.1. Về huy động nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch

- Tập trung nguồn vốn ngân sách Nhà nư­­ớc đầu t­­ư theo hư­­ớng có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch. Ngân sách ưu tiên đầu tư­­ phát triển kết cấu hạ tầng đến các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia, các di tích danh thắng và đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu tại một số khu du lịch, di tích danh thắng cấp quốc gia.

- Thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, trong đó tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, thực hiện lồng ghép các chương trình, các dự án có liên quan để hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch như: Chương trình hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch; Chương trình nuôi trồng thủy sản, khôi phục và phát triển làng nghề thủ công truyền thống; Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã nghèo vùng bãi ngang ven biển; Chương trình xây dựng nông thôn mới...

- Tăng cường xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch; thu hút nhiều hình thức đầu tư, chú trọng đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp (FDI), liên doanh với nước ngoài.

- Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn ADB, vốn của các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, giải quyết việc làm...; huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp, các tổ chức hoạt động du lịch và của cộng đồng trong công tác đầu t­­ư bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh, tổ chức lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ du lịch.

- Ưu tiên thu hút dự án đầu tư du lịch lớn, nhà đầu tư có tiềm lực mạnh về vốn, kinh nghiệm, thị trường nguồn khách để tạo sản phẩm du lịch đặc trưng có khả năng cạnh tranh trong khu vực.

3.2. Về cơ chế chính sách

- Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới; cụ thể hoá các cơ chế, chính sách ưu đãi theo các quyết định của Chính phủ.

- Có cơ chế đặc thù về thủ tục đầu tư đối với các nhà đầu tư du lịch thật sự có tiềm lực, có quyết tâm đầu tư. Trước hết tập trung cải thiện chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, xúc tiến đầu tư, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cung cấp thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính...

- Có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất trưng bày sản phẩm lưu niệm, đặc sản; đầu tư phương tiện vận chuyển khách du lịch; xây dựng cầu tàu du lịch, thuyền vận chuyển khách du lịch; chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái, khai thác các giá trị di sản văn hóa, văn hóa ẩm thực, làng nghề gắn với phát triển du lịch.

- Thực hiện tốt cơ chế chính sách giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho các đối tượng ăn xin, bán hàng rong tại các khu di tích, điểm du lịch.

3.3. Về công tác quản lý Nhà nước

- Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém thúc đẩy phát triển du lịch; về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch…; các chi thị, quyết định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện; Quy chế phối hợp quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Yên; Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Phú Yên; Quy tắc ứng xử về du lịch trên địa bàn tỉnh…

- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực của đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong hoạt động du lịch; kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh, huyện; bố trí, sắp xếp biên chế phụ trách lĩnh vực du lịch phù hợp; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh và Hiệp hội Du lịch tỉnh trong phát triển du lịch.

- Đảm bảo sự thống nhất trong quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển du lịch gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; có các giải pháp đồng bộ về đầu tư hạ tầng đảm bảo hài hòa về kiến trúc, cảnh quan và môi trường.

- Làm tốt công tác quản lý đầu tư, đánh giá năng lực các nhà đầu tư trước khi cấp phép đầu tư; quản lý các dự án sau khi đã cấp giấy phép đầu tư; Định kỳ đánh giá việc thực hiện các dự án đầu tư, kịp thời giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư và các doanh nghiệp.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý di tích, danh thắng, quản lý hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường du lịch; công tác phối hợp quản lý hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh du lịch; bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá…; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

- Tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự an toàn cho du khách; bố trí lực lượng cứu hộ trên biển, lực lượng làm vệ sinh môi trường, lực lượng bảo vệ an ninh trật tự.

3.4. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch:

- Triển khai, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh với chủ đề “Phú Yên - Hấp dẫn và Thân thiện” (ban hành kèm theo Quyết định số 981/QĐ-UBND ngày 12/5/2016 của UBND tỉnh).

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của đầu tư phát triển du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về du lịch đến đội ngũ lao động trong ngành du lịch, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và người dân.

4. Kinh phí thực hiện:

Kinh phí thực hiện Kế hoạch này được huy động từ các nguồn: Ngân sách Nhà nước (Trung ương và địa phương), các doanh nghiệp và kêu gọi xã hội hóa. Trong đó Ngân sách Nhà nước ưu tiên đầu tư các lĩnh vực:

- Xây dựng các dự án quy hoạch chuyên đề, các đề tài, dự án phục vụ phát triển du lịch;

- Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội gắn với phát triển du lịch;

- Xây dựng và thực hiện các đề án, chương trình hỗ trợ đầu tư khai thác các giá trị di sản văn hóa, văn hóa ẩm thực, làng nghề gắn với phát triển du lịch;

- Khảo sát, xây dựng, kết nối hình thành các tour du lịch;

- Xúc tiến quảng bá du lịch;

- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch;

- Hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch.

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành, các địa phương xây dựng các dự án, dự toán kinh phí đưa vào trong kế hoạch hằng năm của cơ quan đơn vị mình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức hội, đoàn thể tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến các Nghị quyết, Chỉ thị, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến lĩnh vực du lịch.

- Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố cụ thể hóa Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Quy hoạch phát triển du lịch đã được duyệt và kế hoạch này đưa vào các kế hoạch 5 năm của địa phương (thực hiện trong năm 2016).

- Chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương có liên quan tham mưu UBND tỉnh phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài (thực hiện trong năm 2016).

- Chủ trì lập quy hoạch chi tiết các khu di tích, danh thắng cấp quốc gia đã được phân cấp và phối hợp, hướng dẫn UBND cấp huyện lập quy hoạch chi tiết các khu di tích, danh thắng cấp quốc gia và cấp tỉnh theo phân cấp quản lý (thực hiện từ 2016 – 2018).

- Xây dựng Chiến lược marketing du lịch Phú Yên đến năm 2020 và định hướng 2030 (thực hiện trong năm 2017).

- Tiếp tục đầu tư hạ tầng thiết yếu tại một số khu di tích: gành Đá Đĩa, Tàu Không số Vũng Rô, Bãi Môn - Mũi Điện, Tháp Nhạn, Nhà thờ Bác Hồ, địa đạo gò Thì Thùng...(thực hiện từ 2016 – 2018).

- Xây dựng Đề án đầu tư công viên địa chất tại khu vực gành Đá Đĩa; vườn thơ và hạ tầng Núi Nhạn, hạ tầng núi Chóp Chài (thực hiện từ 2017– 2018).

- Xây dựng Đề án tổ chức Tuần lễ văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh Phú Yên (thực hiện trong năm 2017).

- Khảo sát hình thành mới một số tuyến du lịch, điểm du lịch địa phương và tuyến du lịch chuyên đề.

- Từng bước tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian như: Hò bá trạo, dân ca bài chòi, hò khoan, hát tuồng, hô bài chòi; biểu diễn nhạc cụ dân tộc: đàn đá, trống đôi - cồng ba - chiêng năm… tại các khu di tích, khu, điểm du lịch.

- Phối hợp các địa phương đầu tư nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống đặc trưng như: Hội thơ Nguyên Tiêu núi Nhạn, Lễ hội Cầu Ngư, Hội đua ngựa gò Thì Thùng...

- Tăng cường liên kết với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp để phát triển du lịch tỉnh Phú Yên; Tập trung liên kết với các tỉnh trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để đưa khách về Phú Yên; tổ chức các đoàn doanh nghiệp lữ hành, báo chí trong và ngoài nước về khảo sát sản phẩm du lịch, quảng bá điểm đến Phú Yên, thực hiện các giải pháp thu hút thị trường khách du lịch Nga.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, thương binh và Xã hội điều tra, đánh giá nguồn nhân lực du lịch của tỉnh hiện nay và xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2016 - 2020 trình UBND tỉnh phê duyệt (thực hiện trong năm 2017).

- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh (thực hiện trong năm 2016).

- Tham mưu UBND tỉnh phương án kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch cấp tỉnh, huyện; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh; năng lực hoạt động của cơ quan thông tin xúc tiến du lịch; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý di tích, danh thắng, quản lý hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường du lịch; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh du lịch; bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá…; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

- Giúp UBND tỉnh theo dõi, tổng hợp, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch này theo sự phân công của UBND tỉnh; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện; cuối năm 2018 tổ chức sơ kết; đầu năm 2021 tổ chức tổng kết.

2. Sở Kế hoạch và Đầu t­ư

- Chủ trì, phối hợp với các ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh (thực hiện từ 2016 – 2017).

- Chủ trì tham mưu UBND tỉnh tạo điều kiện nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; kịp thời rà soát và kiên quyết thu hồi những dự án không triển khai để cấp cho nhà đầu tư khác có năng lực thực sự, có thị trường nguồn khách ổn định.

- Chủ trì, phối hợp các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh làm việc các bộ, ngành Trung ương tranh thủ nguồn vốn ODA, nguồn vốn ADB, vốn của các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, tu bổ các di tích lịch sử, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực du lịch...

- Phối hợp, hướng dẫn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND cấp huyện lập quy hoạch chi tiết các khu di tích, danh thắng cấp quốc gia và cấp tỉnh theo phân cấp quản lý.

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính bố trì kế hoạch vốn hằng năm để thực hiện các dự án, đề án, chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Sở Tài chính:

Căn cứ khả năng ngân sách, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp để thực hiện kế hoạch này.

4. Sở Xây dựng

- Chủ trì, phối hợp các ngành, các địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động xây dựng đảm bảo môi trường, cảnh quan trong hoạt động kinh doanh du lịch; triển khai các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt nhằm tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ.

- Chủ trì tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hai bên đường Độc Lập, đường Lê Duẩn (TP.Tuy Hòa) để hình thành khu du lịch biển Tuy Hòa (thực hiện trong năm 2016).

- Phối hợp các ngành liên quan hướng dẫn UBND cấp huyện lập quy hoạch và đầu tư hạ tầng thiết yếu để hình thành các khu ẩm thực tại TP. Tuy Hòa, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, Vũng Rô…

5. Sở Giao thông Vận tải

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng quy chế quản lý hoạt động các phương tiện vận chuyển khách du lịch đường bộ, đường thủy (thực hiện trong năm 2017).

- Tham mưu UBND tỉnh đề xuất các ngành Trung ương nâng cấp, cải tạo ga đường sắt Tuy Hoà để phát triển loại hình du lịch bằng tàu hỏa; kiến nghị mở thêm các tuyến bay mới từ Phú Yên đi các tỉnh, thành: Cần Thơ, Đà Nẵng (thực hiện trong năm 2017).

- Tham mưu UBND tỉnh tập trung đầu tư trục giao thông ven biển, tuyến đường quanh vịnh Xuân Đài; một số tuyến đường đến: Long Thủy, Phú Thường, Bãi Bàng, Bãi Ôm, Từ Nham, Bãi Nồm…(thực hiện từ 2016 - 2020).

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương khảo sát lập quy hoạch điểm đậu xe tại các khách sạn, nhà hàng, điểm bán hàng phục vụ du lịch, siêu thị, khu du lịch… phục vụ khách du lịch (thực hiện từ 2017 - 2018).

- Tham mưu UBND tỉnh lập dự án hạ tầng trạm dừng xe du lịch trên Quốc lộ 1D (tại xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu); trạm dừng xe trên Quốc lộ 1 (tại xã An Chấn)xã Hòa Xuân Nam để kêu gọi vốn đầu tư với hình thức đầu tư phù hợp.

 

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp các ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh (thực hiện trong năm 2016).

- Phối hợp Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT về hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy di tích; tăng cường công tác phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm kinh doanh du lịch; Hướng dẫn các Ban quản lý các khu di tích, điểm du lịch, các điểm dừng chân, các trạm xăng thực hiện đồng bộ các biện pháp để bảo đảm vệ sinh, môi trường.

- Rà soát các quy định về giao đất, thuế sử dụng đất để kiến nghị giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư cơ sở lưu trú, khu du lịch sử dụng nhiều diện tích cho không gian cảnh quan.

- Kịp thời giải quyết và đề xuất UBND tỉnh giải quyết các khó khăn vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư để xây dựng các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng lưu niệm, hàng hóa đặc trưng của tỉnh phục vụ du lịch.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi gian lận, không niêm yết giá và bán cao hơn giá đã niêm yết, nâng giá bất hợp lý, ép giá; kiểm tra các cơ sở bán hàng lưu niệm, quà tặng bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm.

- Phối hợp UBND thành phố Tuy Hòa, các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng và hình thành khu ẩm thực phố đêm, chợ đêm (thực hiện từ 2016- 2017).

8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tham mưu UBND tỉnh các chương trình, kế hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao về rau hoa và các loại cây ăn trái, đặc sản của địa phương vừa phục vụ phát triển kinh tế và phục vụ nhu cầu du lịch.

- Hỗ trợ về giống, kỹ thuật trồng, bảo quản... cho làng rau, hoa Ngọc Lãng.

- Chủ trì, phối hợp các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng một số mô hình làng nghề truyền thống phục vụ tham quan du lịch; thực hiện lồng ghép mục tiêu bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng các khu Chóp Chài, Núi Nhạn, khu bảo tồn thiên nhiên… với việc khai thác phát triển du lịch.

9. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì đầu tư hệ thống wifi công cộng, đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các báo Trung ương và địa phương nhằm tạo đột phá trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch, bảo vệ môi trường;

- Xây dựng chương trình quảng bá, giới thiệu du lịch Phú Yên trên các phương tiện thông tin, truyền thông, trên các trang mạng xã hội, website của tỉnh… để thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư đến Phú Yên.

10. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các danh mục đề tài, dự án, hội thảo khoa học trong từng giai đoạn để kêu gọi các cơ quan nghiên cứu khoa học, các tổ chức, cá nhân có năng lực tham gia thực hiện nhằm làm cơ sở khoa học để định hướng phát triển sản phẩm du lịch, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư có cơ sở đầu tư phát triển du lịch.

- Rà soát, kiểm tra việc triển khai áp dụng trong thực tiễn các đề tài nghiên cứu khoa học đã được phê duyệt để hỗ trợ phát triển du lịch, làm cơ sở khoa học trong xúc tiến đầu tư và quảng bá thu hút khách.

11. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện rà soát, phân loại, hỗ trợ, tạo việc làm cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đang bán hàng rong tại các khu di tích, điểm du lịch; phân loại đối tượng những người ăn xin đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc chuyển về địa phương, nơi cư trú, quản lý theo quy định; hỗ trợ đào tạo nghề cho dân tại vùng dự án.

- Phối hợp với UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt cơ chế chính sách giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho các đối tượng ăn xin, bán hàng rong tại các khu di tích, điểm du lịch.

12. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng các giáo trình giới thiệu về lịch sử, đất nước, con người và văn hóa truyền thống của Phú Yên và đưa vào giảng dạy ngoại khóa tại các trường phổ thông; chỉ đạo các trung tâm giáo dục thường xuyên phối hợp các trường đào tạo chuyên ngành tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành du lịch.

13. Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh:

- Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành “Kế hoạch bảo đảm An ninh du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Yên”. Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh hành vi xâm hại tính mạng và tài sản khách du lịch; hành vi phá hoại hoặc cản trở sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, ban, ngành, các cấp chính quyền, sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch của tỉnh. Chú trọng tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch trên các tuyến, điểm, khu du lịch, khu di tích. Công tác bảo đảm an ninh du lịch phải theo đúng quy định của pháp luật, nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, với tinh thần và thái độ phục vụ chuyên nghiệp, tận tình, văn minh, lịch sự, thân thiện trong mắt khách du lịch.

- Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện kết hợp đảm bảo quốc phòng an ninh gắn với phát triển du lịch; hỗ trợ quản lý, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh để phục vụ phát triển du lịch; phối hợp tổ chức hoạt động du lịch về nguồn, thăm lại chiến trường xưa...

- Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt chức năng quản lý xuất, nhập cảnh; phối hợp kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn các điểm vui chơi giải trí, khu du lịch khu vực biên giới biển; phối hợp, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy thực hiện đúng quy định về an toàn giao thông đường thủy.

14. Ban Quản lý Khu kinh tế Nam Phú Yên:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Đông Hòa đề xuất UBND tỉnh sớm triển khai dự án khu nghỉ dưỡng chuyên gia tại khu vực Bãi Môn - Mũi Điện.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh có cơ chế phát triển mạnh hoạt động du lịch, dịch vụ trong Khu kinh tế Nam Phú Yên, nhất là khu vực Vũng Rô - Đèo Cả - Núi Đá Bia - Bãi Môn - Mũi Điện (thực hiện trong năm 2017).

15. Trường Đại học Phú Yên, Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên, các cơ sở đào tạo nghề:

Phối hợp với các trường đào tạo chuyên ngành tổ chức các lớp đào tạo chuyên ngành du lịch ở cấp cao đẳng, đại học; thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp đào tạo cán bộ quản lý nhà hàng, khách sạn, khu du lịch; nhân viên lễ tân, buồng, bàn, bếp, hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch, an ninh khách sạn...

16. UBND thành phố Tuy Hòa

- Chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện kế hoạch này trên địa bàn mình (có tham khảo ý kiến của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các ngành liên quan trước khi ban hành) (thực hiện trong năm 2016).

- Chủ trì, phối hợp Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các ngành liên quan tiếp tục đầu tư điểm du lịch sinh thái cộng đồng tại làng rau Ngọc Lãng (thực hiện từ 2016 - 2017).

 - Khảo sát, lập quy hoạch và đầu tư hạ tầng thiết yếu để hình thành khu ẩm thực tập trung tại đường Bạch Đằng, biển Tuy Hòa (thực hiện từ 2016 - 2018).

- Chủ động  xây dựng đề án kêu gọi vốn đầu tư xây dựng bến tàu du lịch, cầu phao nổi tại khu vực sông Chùa và các dự án du lịch trên sông Chùa, sông Đà Rằng (thực hiện từ 2017 - 2019).

- Chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng trình UBND tỉnh điều chỉnh hay phê duyệt quy hoạch hai bên đường Độc Lập, đường Lê Duẩn (TP.Tuy Hòa) để hình thành khu du lịch biển Tuy Hòa  (thực hiện trong năm 2016).

- Đề xuất đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cảnh quan, bảo vệ môi trường tại khu vực bãi biển TP.Tuy Hòa  (thực hiện từ 2016 - 2018).

- Chủ trì phối hợp Sở Công Thương và các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức khu ẩm thực phố đêm, chợ đêm (thực hiện từ 2016 - 2017).

- Bố trí lực lượng làm vệ sinh môi trường, lực lượng cứu hộ trên biển Tuy Hòa, trên sông; lắp đặt các biển báo, phao cảnh báo trên biển tại khu vực bãi biển thành phố Tuy Hoà (thực hiện từ 2016 - 2017).

- Triển khai, quán triệt và thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh với chủ đề “Phú Yên - Hấp dẫn và Thân thiện”.

17. UBND các huyện, thị xã

- Đề cao trách nhiệm của cấp ủy đảng và chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.

- Chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện kế hoạch này trên địa bàn mình (có tham khảo ý kiến của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các ngành liên quan trước khi ban hành) (thực hiện trong năm 2016).

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch cấp huyện; bố trí, sắp xếp có biên chế phụ trách lĩnh vực du lịch phù hợp. Chủ động phối hợp với các sở, ngành kịp thời giải quyết theo thẩm quyền và đề xuất UBND tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quản lý các hoạt động du lịch trên địa bàn; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động du lịch và các dịch vụ du lịch.

- Chủ trì, phối hợp các ngành liên quan đầu tư hình thành điểm du lịch văn hóa cộng đồng thôn Xí Thoại (UBND huyện Đồng Xuân), điểm du lịch văn hóa cộng đồng buôn Lê Diêm (Sông Hinh), điểm du lịch văn hóa cộng đồng buôn Hòa Ngãi (UBND huyện Sơn Hòa) (thực hiện từ 2016 - 2017).

- Chủ động xây dựng đề án kêu gọi vốn đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn: xây dựng bến tàu du lịch, cầu phao nổi tại khu vực vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, Vũng Rô, hòn Lao Mái nhà, hòn Chùa, hòn Nưa để phát triển du lịch biển đảo theo hình thức đầu tư phù hợp (thực hiện từ 2017- 2019).

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc ranh giới, lập quy hoạch chi tiết phân khu chức năng, đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống điện nước, nhà vệ sinh đạt chuẩn, bãi đậu xe để thu hút đầu tư các dịch vụ tại các di tích theo phân cấp quản lý (thực hiện từ 2017 - 2018).

- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng khảo sát, lập quy hoạch và đầu tư hạ tầng thiết yếu để hình thành khu ẩm thực đầm Ô Loan tại cầu An Hải (UBND huyện Tuy An), khu ẩm thực vịnh Xuân Đài tại sông Tam Giang và quanh vịnh Xuân Đài, khu ẩm thực đầm Cù Mông tại cầu Bình Phú (UBND thị xã Sông Cầu); khu ẩm thực Vũng Rô (UBND huyện Đông Hòa)… Trước mắt ban hành quy định tạm thời về hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các khu vực này để tăng cường công tác quản lý như: đăng ký kinh doanh; thực hiện nghĩa vụ thuế; đảm bảo an ninh trật tự, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; trưng bày và bán các sản phẩm đặc sản của địa phương; an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường; trang phục, kỹ năng phục vụ, ứng xử văn minh của người quản lý và nhân viên phục vụ…(thực hiện từ 2017 - 2019).

- Tham mưu cấp ủy chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phát động phong trào người dân ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch: “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên, niềm nở với khách du lịch”; chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại nơi công cộng, bãi biển, khu di tích, điểm du lịch…; triển khai, thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh với chủ đề “Phú Yên - Hấp dẫn và Thân thiện”.

18. Các tổ chức đoàn thể, các hội ngành nghề:

Tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về du lịch, tích cực tham gia chương trình về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch Phú Yên; các Hội ngành nghề tham gia các hoạt động du lịch: sản xuất quà lưu niệm, đặc sản ẩm thực, làng nghề...

19. Các cơ quan thông tấn, báo chí:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của đầu tư phát triển du lịch đối với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Xây dựng các chương trình tuyên truyền về xây dựng, bảo vệ môi trường du lịch Phú Yên; đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Phú Yên; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch thực hiện các chương trình quảng bá về sản phẩm du lịch, giá cả hàng hóa, dịch vụ du lịch để thu hút du khách.

- Báo Phú Yên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chuyên trang quảng bá du lịch Phú Yên (thực hiện từ 2016 - 2020).

- Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sản xuất các chương trình quảng bá du lịch Phú Yên (thực hiện từ 2016 - 2020).

20. Các tổ chức kinh tế:

- Hiệp hội Du lịch phối hợp các hiệp hội, hội liên quan tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện việc niêm yết giá, bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn, ứng xử văn minh với khách du lịch; thực hiện bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh; phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp liên kết hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch; phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch và đề xuất cơ chế, chính sách phát triển du lịch.

- Các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch: Chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao tính chuyên nghiệp và cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh; tích cực phối hợp cải thiện môi trường du lịch, bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn, ứng xử văn minh với khách du lịch; niêm yết giá công khai và bán không cao hơn giá niêm yết; Chủ động đầu tư và liên kết với các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế để đầu tư, thu hút khách về Phú Yên.

Yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan căn cứ Kế hoạch này xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện của đơn vị mình. Trong đó xác định rõ nội dung công việc, biện pháp, tiến độ thời gian thực hiện và định kỳ ngày 20 tháng 12 hàng năm báo cáo kết quả cho UBND tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để tổng hợp, báo cáo cho Thường trực Tỉnh ủy./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Hoàng Văn Trà

 

THÔNG TIN CHO NHÀ ĐẦU TƯ

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website