Định hướng phát triển
Định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020 (20/02/2013)

Quan điểm phát triển

Phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ cao và bền vững để thu hẹp dần khoảng cách giữa tỉnh Phú Yên với các tỉnh trong Vùng và cả nước, xây dựng tỉnh Phú Yên thành một cửa ngõ mới ra hướng Đông cho vùng Tây Nguyên; phấn đấu trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn trong khu vực và cả nước. Hình thành cụm đầu mối giao thông đường sắt, đường thủy, đường hàng không, đường bộ Đông - Tây. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế; khai thác những ngành có lợi thế về lao động và tài nguyên; đồng thời, chú trọng mở rộng các ngành kinh tế có hàm lượng về kỹ thuật cao, phù hợp với lợi thế của tỉnh Phú Yên và xu hướng của thị trường. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, nâng dần mức sống cho các tầng lớp dân cư, nhất là vùng căn cứ kháng chiến, miền núi, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; củng cố hệ thống chính trị và nền hành chính vững mạnh.

Mục tiêu phát triển

Duy trì phát triển kinh tế tốc độ cao và bền vững, tạo sự chuyển biến về chất lượng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2020 tỉnh Phú Yên cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp và dịch vụ. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với cơ cấu: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Từng bước nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và nâng cao trình độ khoa học công nghệ trong các ngành sản xuất. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thuận lợi, đảm bảo yêu cầu phát triển. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Định hướng phát triển ngành, lĩnh vực

- Nông, lâm, ngư nghiệp:

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, chất lượng cao, sản phẩm sạch, phù hợp với hệ sinh thái. Hình thành các vùng chuyên canh tập trung có năng suất cao gắn với công nghệ sau thu hoạch và công nghiệp chế biến, đồng thời gìn giữ và bảo vệ môi trường. Đảm bảo an ninh lương thực, ổn định diện tích canh tác lúa, mía, sắn; mở rộng diện tích cây cao su và một số cây trồng khác. Chăn nuôi theo hướng kinh tế trang trại với giống tốt và kiểm soát dịch bệnh. Hình thành các vùng rau sạch tại vành đai các đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch; phát triển nghề trồng hoa, sinh vật cảnh.

Đẩy mạnh trồng rừng, tăng cường vốn rừng, phát triển các loại cây lấy gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Tăng cường bảo vệ rừng, hạn chế khai thác gỗ rừng tự nhiên và khai thác có hiệu quả rừng trồng.

Phát triển thủy sản bền vững, toàn diện trên các mặt nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Phát triển vùng nuôi trồng có cơ sở khoa học, tăng cường nuôi trồng trên biển, đảm bảo môi trường và tạo thêm điểm đến cho du khách. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủy sản.

Xây dựng nông thôn mới, hiện đại, giảm áp lực về dân số cho các đô thị, phát triển kinh tế đồng bộ giữa các vùng trong Tỉnh. Phát triển dịch vụ, ngành nghề gắn với việc tổ chức tiêu thụ hàng hóa cho nông dân, tăng đầu tư cho các huyện miền núi, địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

- Công nghiệp:

Chú trọng đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tự động hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nâng chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tăng nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp.

Phát triển công nghiệp theo quan điểm bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững quốc gia. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, có hàm lượng kỹ thuật và công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn để tạo bước phát triển đột phá, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh như: điện tử, lọc dầu, hóa dầu, đóng tàu, chế biến nông thủy sản, sản xuất điện - nước. Trong đó đặc biệt quan tâm đến dự án Nhà máy lọc dầu và các nhà máy hóa dầu.

Đầu tư phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên có khu đô thị Nam Tuy Hòa, khu công nghiệp lọc, hóa dầu và một số khu công nghiệp tập trung khác gắn liền cảng biển Vũng Rô, cảng biển Hòa Tâm và sân bay Tuy Hòa. Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung, hình thành mạng lưới các cụm, điểm công nghiệp ở các huyện, có diện tích 10 - 20 ha.

Phát triển các làng nghề ở khu vực nông thôn, du nhập và nhân rộng một số nghề mới quy mô phù hợp, khai thác có hiệu quả nguồn nguyên liệu và giải quyết nhiều lao động khu vực nông thôn.

- Dịch vụ:

Nâng cao phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ hiện đại, đồng thời đảm bảo hệ thống thương mại - dịch vụ thông suốt đến các vùng xa xôi hẻo lánh. Hình thành các khu đô thị, các phố chợ, các đường phố chuyên doanh, tạo mạng lưới phân phối đa dạng, đảm bảo lưu thông hàng hóa nhanh, thuận tiện, kích thích sản xuất phát triển.

Xây dựng hệ thống cung cấp các dịch vụ thương mại, hỗ trợ xúc tiến thương mại, đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ổn định giá cả, chống sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, buôn lậu, trốn thuế. Mở rộng thị trường, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu.

Phát triển mạnh du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, công nghiệp "sạch” mang màu sắc độc đáo riêng. Tôn tạo các di tích, danh thắng, các điểm du lịch gắn với công tác bảo vệ môi trường. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng thu hút đầu tư: khu du lịch liên hợp cao cấp An Phú - An Chấn; các khu  đô thị du lịch và dịch vụ cao cấp (Sông Cầu, Tuy An, Đồng Xuân); các cụm du lịch cảnh quan sinh thái, văn hóa nghỉ dưỡng, giải trí.

Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng, dịch vụ bưu chính viễn thông. Đa dạng hóa hình thức phục vụ hợp lý.

Chú trọng và tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển mạnh các loại hình dịch vụ: tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ, tin học, bảo hiểm, tư vấn, kế toán, kiểm toán, tư vấn pháp lý, công chứng, giám định, bán đấu giá tài sản, kinh doanh tài sản, bất động sản, dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao.

- Phát triển kết cấu hạ tầng:

+ Về giao thông: hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, khai thác hiệu quả giao thông đường biển, đường bộ, đường hàng không, đường sắt, nối các vùng trong Tỉnh và các tỉnh trong khu vực, tạo ra các hành lang phát triển kinh tế của tiểu vùng.

Đầu tư hoàn thiện và hiện đại hóa mạng lưới giao thông đường bộ, lấy quốc lộ 1A, quốc lộ 25, quốc lộ 29, trục ven biển phía Đông, trục dọc miền Tây và các tỉnh lộ làm các trục giao thông chiến lược. Hình thành một số đường mới nối từ đường cao tốc Bắc - Nam và trục quốc lộ 1A xuống các khu công nghiệp và các cụm đô thị du lịch ven biển. Xây dựng hệ thống bến xe, bãi đậu xe, điểm dừng. Đầu tư mới và mở rộng nâng cấp các tuyến đường huyện, đường nội thị, đường gom, đường liên xã, giao thông nông thôn và giao thông nội đồng, đảm bảo giao thông được thông suốt trong mọi tình huống. Phấn đấu đến năm 2020, đường huyện và đường nội thị được cứng hóa mặt đường từ 90 - 100%. Nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Phú Yên - Tây Nguyên.

Hoàn chỉnh, nâng cấp và khai thác hiệu quả cảng biển Vũng Rô, nghiên cứu xây dựng một số cảng nước sâu chuyên dùng phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch.

Nâng cấp sân bay Tuy Hòa và tăng chuyến từ sân bay Tuy Hòa đến thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, phát triển thành một cảng hàng không đủ tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế. Nghiên cứu cơ chế để kêu gọi và cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng một sân bay khu vực phía Bắc của Tỉnh, phục vụ du lịch và các nhu cầu phát triển của khu vực.

Đầu tư một số nhà máy thủy điện mới trên bậc thang sông Ba, sông Kỳ Lộ. Khuyến khích phát triển các dự án thủy điện nhỏ, điện gió, các dạng năng lượng mới thích hợp để phục vụ cho những vùng không thể đưa lưới điện quốc gia đến. Thu hút đầu tư nhà máy nhiệt điện có quy mô công suất lớn.

Phát triển nhanh mạng bưu chính viễn thông công cộng cũng như chuyên dùng với kỹ thuật hiện đại, tiến tới thực hiện mạng số đa dịch vụ, mạng thông tin cá nhân băng rộng, Internet tốc độ cao. Phát triển các điểm bưu điện văn hóa xã, phổ cập dịch vụ bưu chính viễn thông cơ bản. Đến năm 2015, tỷ lệ sử dụng điện thoại đạt 50 máy/100 dân; năm 2020 đạt 60 máy/100 dân. Năm 2020 bình quân 35-40 người/100 dân sử dụng dịch vụ Internet.

Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cấp nước tại thành phố Tuy Hòa. Nâng công suất các nhà máy nước tại các thị trấn: La Hai, Hai Riêng, Chí Thạnh, Củng Sơn, Sông Cầu và Phú Hòa lên 8.000 - 10.000 m3/ngày đêm. Xây dựng mới nhà máy nước tại Hòa Vinh công suất 8.000 - 10.000 m3/ngày đêm, các thị trấn mới Phú Thứ, Sơn Long (Vân Hòa) và phường Xuân Lộc công suất 3.000 - 5.000 m3/ngày đêm. Đầu tư xây dựng nhà máy nước công suất trên 200.000 m3/ngày đêm năm 2015 và 300.000 m3/ngày đêm năm 2020, phục vụ khu kinh tế Nam Phú Yên và các khu vực khác.

Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng tại các đô thị hiện có, các khu đô thị mới. Xây dựng thành phố Tuy Hòa trở thành đô thị loại II, đô thị sinh thái với chức năng là Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, du lịch, dịch vụ; đầu mối giao thông, giao lưu trong Tỉnh; đồng thời, là đầu mối giao thông lớn của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hình thành các trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ cho khu vực. Nâng cấp huyện Đông Hòa thành thị xã. Hoàn thành xây dựng thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa), Hòa Vinh, Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa); xây dựng khu đô thị Nam Tuy Hòa và chuỗi đô thị mới du lịch, công nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố ven biển, thị trấn Vân Hòa tại huyện mới Vân Hòa, thị trấn Hòa Hiệp Trung, An Mỹ.

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo vùng

Vùng biển và ven biển, là vùng kinh tế động lực của Tỉnh, có ý nghĩa chiến lược về kinh tế, quốc phòng và an ninh. Phát triển kinh tế tổng hợp biển, xây dựng đồng bộ, hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng như giao thông, kho tàng, bến bãi, cảng, tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng. Gìn giữ môi trường biển và giải quyết các vấn đề xã hội vùng ven biển nhằm đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Vùng đồng bằng, có nhiều tiềm năng về lao động, kết cấu hạ tầng đã được đầu tư. Hướng phát triển là tập trung thâm canh cây lương thực, thực phẩm và chăn nuôi sản phẩm sạch chất lượng cao, trồng cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả, hoa, cây cảnh. Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nông thôn. Hình thành các cơ sở công nghiệp chế biến quy mô vừa và nhỏ, phát triển làng nghề, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển dịch vụ, làm vệ tinh cho xí nghiệp lớn, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Phát triển các loại hình du lịch làng quê, du lịch thăm quan làng nghề thủ công mỹ nghệ, gắn với các tuyến du lịch biển, núi.

Vùng trung du, miền núi, trồng rừng, xây dựng các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, công nghiệp chế biến nông lâm sản; nuôi thủy sản nước ngọt, phát triển kinh tế trang trại; xây dựng mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp sản xuất vườn đồi, vườn rừng với quy mô thích hợp. Phát triển cây cao su, bố trí các trạm thực nghiệm và vườn giống, xây dựng nhà máy chế biến cao su. Xây dựng các cụm công nghiệp tập trung ở nông thôn. Ưu tiên đầu tư các nhà máy chế biến nông, lâm sản, khai thác chế biến khoáng sản ở khu vực miền núi. Phát triển mạnh du lịch miền núi gắn liền với văn hóa các dân tộc, cảnh quan thiên nhiên, kết hợp hình thành các tuyến nối liền giữa miền biển và các tỉnh Tây Nguyên. Xây dựng cao nguyên Vân Hòa, hồ Sông Ba Hạ, hồ Sông Hinh trở thành các trung tâm, cụm nghỉ mát của Phú Yên. Xây dựng một số buôn làng văn hóa du lịch của đồng bào các dân tộc.

Định hướng phát triển hệ thống đô thị

Đến năm 2020, mạng lưới đô thị của Tỉnh gồm 01 thành phố, 02 thị xã, 09 thị trấn; thành phố Tuy Hòa phát triển thành đô thị loại II vào năm 2015(đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận vào tháng 3/2013); huyện Đông Hòa thành thị xã công nghiệp đô thị loại IV vào năm 2019-2020. Phát triển các thị trấn mới: Phú Thứ (Tây Hòa); Hòa Định Đông (Phú Hòa); Hòa Vinh, Hòa Hiệp Trung (sau trở thành 2 phường của thị xã Đông Hòa); Vân Hòa (huyện mới) và An Mỹ (Tuy An). Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phát triển thị trấn Củng Sơn và Hai Riêng thành thị xã vào sau năm 2020.
GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website