TỈNH UỶ PHÚ YÊN
|
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Tuy Hoà, ngày 26 tháng 4 năm 2016
|
Số 07
- CTr/TU |
|
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH ỦY
về tăng cường đầu tư
phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và thu hút
nhân lực trình độ cao,
gắn đào tạo với sử dụng
----------------
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ
XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động về tăng
cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và thu hút nhân lực trình độ
cao, gắn đào tạo với sử dụng, như sau:
Phần thứ nhất
TÌNH HÌNH PHÁT
TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CỦA TỈNH
I- NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT
ĐƯỢC
Xác định tầm quan
trọng của nguồn nhân lực, Tỉnh ủy khóa
XV đã đề ra Chương trình hành động số 07-CTr/TU, ngày 24/6/2011 về phát
triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh giai đoạn 2011-2015. Qua gần 5 năm
thực hiện, số lượng, chất lượng, cơ
cấu nguồn nhân lực xã hội có những chuyển
biến tích cực, nhất là ở một số
ngành, lĩnh vực quan trọng. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công
chức, viên chức được nâng lên, đáp ứng tốt
hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
-
Về nâng cao dân trí và chất lượng giáo
dục, đào tạo:
Công tác xã hội hóa
giáo dục, đa dạng hóa các loại hình giáo dục, đào tạo, dạy nghề đạt được một số
kết quả quan trọng. Mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo tiếp tục được đầu tư phát
triển. Chất lượng giáo dục ở các cấp học được tăng cường, phổ cập
giáo dục tiểu học đúng
độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở tiếp tục được giữ vững và
nâng cao chất lượng. Giáo dục đại học, cao đẳng có bước phát
triển về quy mô và chất lượng đào tạo(1).
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 210 sinh
viên/vạn dân (năm 2010 có khoảng 183 sinh viên/vạn dân).
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các bậc học
được đẩy mạnh. Toàn
tỉnh hiện có 15.517 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên (trong đó các trường
đại học, cao đẳng Trung ương đóng trên địa bàn có 451 người). Tỷ lệ giáo viên các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn về
trình độ chuyên môn là 99,48% (tăng 0,78% so cuối năm 2010); có 12% giáo viên trung học phổ thông, 59,02% giảng viên
cao đẳng, 74,03% giảng viên đại học có trình độ sau đại học.
- Về đào tạo nghề nghiệp và phát triển nguồn nhân lực:
Mạng lưới cơ sở dạy
nghề, công tác đào tạo nghề được quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả,
tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55,01% (tăng 17,01% so với năm 2010), trong đó
đào tạo nghề đạt 41% (tăng 15% so với năm 2010); trình độ học vấn, chuyên môn
của người lao động từng bước được nâng lên.
Cơ cấu lao động của
tỉnh có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp-xây
dựng tăng, chiếm 21,9% (năm 2010 là 13,4%); khu vực dịch vụ 27,5% (năm 2010 là 21,7%); khu
vực nông-lâm-thủy sản 50,4% (giảm
14,5% so với năm 2010).
- Về nâng cao chất
lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức:
Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức mà trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng gắn với tuyển dụng, thu hút trí
thức, quy hoạch, bố trí, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên
chức được đẩy mạnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa cán bộ. Đã đưa đi đào tạo, bồi dưỡng hàng nghìn cán bộ(2); thu hút 40 người. Toàn tỉnh hiện
có 43 tiến sĩ (có 02 phó giáo sư) và 1.169 thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, II.
Có
được những kết quả trên là nhờ các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực
hiện khá đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy với nhiều giải
pháp, biện pháp cụ thể, thiết thực; từng bước phát huy được các nguồn lực xã
hội trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Cơ cấu, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực xã hội có những chuyển
biến tích cực. Năng lực, trình độ của
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được tăng cường, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.
II- HẠN CHẾ, YẾU KÉM VÀ NGUYÊN NHÂN
1- Hạn chế, yếu kém:
Nhìn chung nguồn nhân lực trong tỉnh vẫn chưa đáp ứng được
yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trên một số
ngành, lĩnh vực quan trọng. Cơ cấu, chất
lượng nguồn nhân lực xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập. Tỷ lệ lao động có trình
độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi còn ít. Ngành
nghề đào tạo chưa thật sự gắn kết với nhu cầu thị trường lao động. Một bộ phận lực
lượng lao động trẻ được đào tạo chính quy chưa có việc làm hoặc làm những việc
trái với ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo. Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhân lực
ở một số ngành, lĩnh vực, tổ chức khá phổ biến…
Một số chính sách, đề án phát triển
nguồn nhân lực chậm được triển khai xây dựng. Các chính sách đào tạo, thu hút, đãi ngộ
tuy được quan tâm thực hiện nhưng kết quả còn hạn chế, bất cập; một
số ít đối tượng được thu hút, bố trí công tác trái ngành đào tạo; việc giải
quyết cho hưởng chế độ, chính sách thu hút, đào tạo sau đại học trong một số
trường hợp chưa phù hợp.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhất là đào tạo sau đại
học chưa chú trọng đúng
mức các lĩnh vực, ngành mà địa phương, đơn vị đang cần. Một bộ phận cán bộ,
công chức học những chuyên ngành không phù hợp với vị trí việc làm, yêu cầu
nhiệm vụ, có xu hướng chạy theo bằng cấp; tuy đạt chuẩn
trình độ nhưng năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Một số cơ sở liên
kết đào tạo sau đại học tại tỉnh chưa chú trọng đầu vào, chất lượng đào tạo
thấp...
2- Nguyên
nhân của những hạn chế, yếu kém:
Những
hạn chế trên là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của một số cấp
ủy, lãnh đạo địa phương, đơn vị chưa thật sự tập trung, sâu sát, thiếu sự
quyết tâm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức chưa được
quản lý chặt chẽ. Chất lượng đào tạo còn một số mặt hạn chế. Chính sách đào tạo sau đại học, thu
hút, đãi ngộ trí thức chưa thật sự hấp dẫn, có điểm còn
chưa phù hợp nhưng chậm được điều chỉnh, bổ sung. Nguồn
ngân sách đầu tư và việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển nguồn
nhân lực còn hạn chế. Việc
dự báo nhu cầu lao động và định hướng ngành, lĩnh vực đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chưa theo sát thực tế. Công
tác tuyên truyền hướng nghiệp còn mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả
thấp. Cơ sở hạ tầng kinh tế nhất là lĩnh vực
công nghiệp, dịch vụ trong tỉnh chậm phát triển chưa tạo được động lực thúc đẩy
phát triển nguồn nhân lực, phân bổ, cơ cấu lại lực lượng lao động…
Phần thứ hai
MỤC TIÊU, NHIỆM
VỤ VÀ GIẢI PHÁP
I- MỤC TIÊU
1- Phát triển nguồn
nhân lực của tỉnh đảm bảo số lượng và chất lượng, có cơ cấu phù hợp; từng bước hình
thành đội ngũ lao động chất lượng cao đáp
ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
2- Xây dựng đội ngũ
cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo tiêu chuẩn chính trị, có phẩm chất đạo đức
tốt, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao năng lực hoạt
động của hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp trong tỉnh.
II- CHỈ TIÊU
Phấn đấu giai đoạn
2016- 2020 đạt các chỉ tiêu cụ thể sau đây:
1- Về đào tạo, bồi dưỡng:
-
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó 51% lao động qua đào tạo nghề.
- Đạt 320 sinh viên/ 1 vạn dân.
- 100% cán bộ, công chức, viên
chức đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học
theo quy định; hàng năm được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quản lý nhà nước,
chuyên môn, nghiệp vụ.
- 100% cán bộ, công
chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định, trong đó 100% cán bộ chủ chốt có trình độ
chuyên môn đại học, lý luận chính trị trung cấp trở lên.
- 100% giáo viên các cấp học đạt chuẩn và trên
chuẩn về trình độ chuyên môn. 60% giảng viên cao đẳng và 100% giảng viên đại
học đạt trình độ thạc sỹ trở lên, trong đó 8% giảng viên cao đẳng và 25% giảng
viên đại học là tiến sĩ, trên 03 giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư.
Đối với giáo viên phổ thông các cấp, phấn đấu đạt hoặc vượt các chỉ tiêu của
Chương trình hành động số 21-CTr/TU, ngày 28/3/2014 của Tỉnh ủy.
- Đào tạo sau đại
học các ngành, lĩnh vực tỉnh đang cần ở trong và ngoài nước cho 100-120 cán bộ,
công chức, viên chức, trong đó ở nước ngoài từ 15-20 người. Bồi dưỡng ngắn hạn
có yếu tố nước ngoài cho 60-70 cán bộ, công chức, viên chức.
- Hàng năm mở từ 01- 02 lớp bồi dưỡng kiến thức quản
trị doanh nghiệp hiện đại và từ 01- 02 lớp về khởi nghiệp kinh doanh.
2- Về thu hút, sử dụng:
- Thu hút nhân lực chất lượng cao ở các ngành, lĩnh vực tỉnh đang cần từ
120-150 người.
- 70% học
sinh, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp... được tuyển dụng, bố
trí phù hợp ngành nghề đào tạo.
- Hàng năm đưa 500 lao
động đã qua đào tạo đi làm việc ở nước ngoài.
- Đạt 09 bác sỹ/1 vạn dân.
III- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI
PHÁP CHỦ YẾU
1- Đầu tư nâng cao chất lượng, năng lực giáo dục-đào tạo
1.1- Tiếp tục xây dựng đội ngũ giáo
viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học đảm bảo đủ số lượng và chất lượng,
đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Hỗ trợ, khuyến
khích đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Phát
triển đội ngũ giáo viên trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Trường Đại học Phú
Yên đủ năng lực đào tạo nhân lực chất lượng cao cho tỉnh; có kế hoạch cụ thể về
thu hút nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và giải quyết kịp thời
chế độ, chính sách.
1.2- Tiếp tục
huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội
học tập; nâng cấp quy mô, ngành nghề đào tạo cho các trường đại học, cao đẳng,
trung tâm hướng nghiệp -dạy nghề thuộc tỉnh, chú trọng các nhóm ngành, lĩnh vực
phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tập trung xây dựng hoàn
thiện cơ sở vật chất Trường Trung học phổ thông chuyên Lương Văn Chánh, Trường
Đại học Phú Yên, Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên, Trường Cao đẳng nghề Phú Yên và
hỗ trợ tạo điều kiện nâng cấp Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa thành trường
đại học; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường mầm non, phổ
thông.
1.3- Mở rộng liên kết với một số trường đại học, học viện có
uy tín trong nước và hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo; đổi mới
chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo yêu cầu của
thị trường lao động, gắn đào tạo với giải quyết việc làm.
1.4- Kiểm tra, thanh tra chất
lượng giáo dục, đào tạo. Các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh định kỳ khảo sát,
đánh giá chất lượng lao động để quản lý chất lượng đào tạo; có cơ chế theo dõi
tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo, mức độ hài lòng của
doanh nghiệp và người sử dụng lao động để điều chỉnh, nâng cao chất lượng đào
tạo. Sở Giáo
dục và Đào tạo quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo môn tin học và ngoại ngữ.
2- Thực hiện nhiệm vụ,
giải pháp gắn đào tạo với sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực xã hội
2.1- Công
tác quản lý nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực
- UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, bổ sung Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh
Phú Yên giai đoạn 2011-2020; tổ chức điều
tra, khảo sát, dự báo nhu cầu thị trường lao động trong tỉnh giai đoạn
2016-2020; chủ động tạo điều kiện giới thiệu các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước
ngoài (nhất là khu vực ASEAN) mà tỉnh có quan hệ để các trường cao đẳng, đại
học trên địa bàn tỉnh liên kết, hợp tác đào tạo; quản lý chặt chẽ công tác tuyển
sinh của các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh.
- Các ngành, địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát
triển nguồn nhân lực của ngành, địa phương, định hướng
ngành, lĩnh vực đào tạo, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho hội nhập quốc tế.
- Thành lập Trung tâm hỗ trợ, theo dõi dạy nghề và
quản lý lao động, thu thập, xây dựng, phát triển hệ thống thông tin về dạy nghề, việc làm, thị trường lao động… làm cầu nối liên kết giữa người lao
động, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
2.2- Triển khai hiệu
quả công tác hướng nghiệp cho học sinh, đảm bảo 100% học sinh được hướng nghiệp
nghề. Bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn hướng
nghiệp đồng thời cải tiến nội dung, hình thức
cung cấp thông tin hướng nghiệp tại các trường phổ thông, các cơ sở đào tạo, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp phù hợp, đáp ứng
yêu cầu phân luồng sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.
2.3- Gắn đào tạo nghề nghiệp với
giải quyết việc làm, nhất là đối với
nhóm đối tượng chuyển đổi nghề; liên kết với doanh nghiệp để đào tạo, tuyển
dụng sau khi tốt nghiệp. Khai thác mở rộng thị trường xuất khẩu lao động.
Khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo liên kết với đối tác nước
ngoài xuất khẩu lao động do cơ sở đào tạo.
2.4- Đổi
mới nội dung, hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm; hàng năm, tổ chức sàn giao
dịch việc làm trên địa bàn tỉnh.
3- Phát huy tiềm lực
của đội ngũ doanh nhân
3.1- Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị cho đội
ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp; mở các lớp tập huấn cập nhật, bổ
sung kiến thức về quản trị doanh nghiệp, tiếp cận thị trường, pháp luật kinh
doanh, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu…
3.2- Vận động đội ngũ doanh nhân thành đạt trong, ngoài tỉnh
và ở nước ngoài tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân trẻ, doanh nhân
vừa khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời tham gia tư vấn, phản biện về các
lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
3.3- Có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng
chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao.
4-Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát
triển đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức
4.1- Xây dựng, thực hiện tốt quy hoạch cán bộ giai đoạn 2020-2025, điều
chỉnh, bổ sung giai đoạn 2016-2020; Đề án tinh giản biên
chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Đề án
vị trí việc làm. Trên cơ sở đó xây dựng, thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công
chức, viên chức giai đoạn 2016-2020 theo quy hoạch cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; ưu tiên đào tạo
sau đại học những ngành, lĩnh vực tỉnh đang cần; chú trọng bồi
dưỡng, nâng cao kỹ năng công tác và đạo đức công vụ.
4.2-
Khảo sát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức để có cơ sở bố trí, sắp xếp lại, giải quyết chế độ chính sách thôi
việc, hoặc đào tạo lại, xem đây là giải pháp đột phá nâng cao chất lượng đội
ngũ cán bộ với các nhiệm vụ trọng tâm:
- Từ nay đến năm 2018,
thí điểm sát hạch đánh giá lại chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
tham mưu, thừa hành ở một số ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị; cán bộ, công
chức cấp xã kể cả số đạt chuẩn về bằng cấp trình độ để có giải pháp củng cố,
kiện toàn phù hợp.
- Triển khai thực hiện
công tác đánh giá theo định kỳ hàng quý đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản
lý các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, chú trọng những ngành, lĩnh vực liên
quan đến quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, liên quan đến chỉ số PAPI,
PCI…
4.3- Nghiên cứu thành lập Trung tâm
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với xây dựng Đề án phát triển
nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công của tỉnh khi đủ điều kiện.
Trước
mắt, khai thác các chương trình đào tạo của Trung ương (Đề án 165…) và từ nguồn
ngân sách tỉnh tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức ở một số ngành, lĩnh
vực bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài theo hình thức mời chuyên gia nước ngoài về
tập huấn tại tỉnh và bố trí tham quan thực tế ở nước ngoài từ 3-5 ngày; tuyển
chọn cán bộ, công chức, viên chức trẻ, đủ điều kiện, tiêu chuẩn đào tạo sau đại
học ở nước ngoài.
4.4- Thu hút trí thức trẻ tốt nghiệp đại học chính quy ở các trường đại
học có chất lượng về công tác ở cấp xã. Mở các lớp đào tạo theo từng chức
danh chủ chốt cấp xã, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức kỹ
năng, kinh nghiệm xử lý công việc. Thực hiện tốt chế độ cử tuyển đào tạo cán bộ
cho cơ sở nhất là đối với miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
4.5- Các cấp ủy, lãnh
đạo cơ quan, đơn vị quản lý chặt chẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công
chức, viên chức; không cử đi đào tạo đối với những ngành lĩnh vực không phù hợp
với quy hoạch cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; tránh
chạy theo bằng cấp. Thực
hiện nghiêm các quy định, quy chế hiện hành về công tác
tuyển dụng công chức,
viên chức, hợp đồng lao động vào cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các
đơn vị sự nghiệp trong tỉnh đảm bảo tuyển dụng phải theo đúng khung năng lực
của từng vị trí việc làm. Đổi mới nội dung thi tuyển, xét tuyển, chú trọng chất
lượng 02 môn thi (tin học, ngoại ngữ).
4.6- Trường Đại học Phú Yên và các cơ sở
đào tạo trên địa bàn tỉnh liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có uy tín
trong và ngoài nước, phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức khảo sát, lập kế
hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo ngành học phù
hợp với yêu cầu sử dụng của cơ quan, đơn vị; đảm bảo chất lượng tuyển sinh và
đào tạo. Củng cố, kiện toàn đội ngũ giáo viên Trường Chính trị tỉnh, các trung
tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện gắn với thu hút giáo viên giỏi, thực hiện yêu
cầu đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy.
5- Rà soát, sửa đổi,
bổ sung hoàn thiện và xây dựng mới các cơ chế, chính sách về phát triển nguồn
nhân lực
5.1- Đối với
nguồn nhân lực xã hội:
- Xây dựng Bộ tiêu chí về
phát triển nhân lực để làm cơ sở hàng năm đánh giá chất lượng phát triển nhân
lực của tỉnh theo Bộ
tiêu chí về phát triển nguồn nhân lực của Trung ương.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển hệ thống đào
tạo nghề trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động
nông thôn, miền núi; thu hút đội ngũ giáo viên dạy nghề giỏi.
- Xây dựng các chính sách: Hỗ trợ doanh
nghiệp liên kết đào tạo nghề với cơ sở dạy nghề, đào tạo theo địa chỉ; chính
sách hỗ trợ doanh nghiệp thu hút nhân tài; chính sách thu
hút đào tạo, sử dụng tài năng văn học, nghệ thuật, thể thao, nghệ nhân giỏi; chính sách tuyển chọn
học sinh giỏi đào tạo ở nước ngoài, khuyến khích du học tự túc hoặc được
hỗ trợ một phần từ ngân sách của tỉnh.
5.2-
Đối với nguồn nhân lực của hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp trong tỉnh:
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính
sách đào tạo sau đại học trong nước và đào tạo sau đại học ở nước ngoài; thu
hút, sử dụng trí thức; chính sách thu hút, đào tạo, đãi ngộ bác sỹ trên địa bàn
tỉnh giai đoạn 2014-2020; các chế độ, chính sách trợ cấp đi học đối với cán bộ,
công chức, viên chức.
- Xây dựng chính sách thu
hút, đãi ngộ đặc biệt gắn
với cơ chế thuê, hợp tác, tư vấn đối với đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học, quản lý, người có
trình độ cao trên các lĩnh vực tỉnh đang cần; chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán
bộ khoa học trẻ.
- Có cơ chế đặc thù để
thực hiện thí điểm một số đột phá trong thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao: Thí
điểm thực hiện trả lương theo năng lực và kết quả công tác tại một số đơn vị sự
nghiệp công lập; hỗ trợ học bỗng đối với học sinh, sinh viên học giỏi, xuất sắc
ở các trường đại học có uy tín về công tác tại tỉnh, chú trọng ngành y tế.
- Xây dựng Quy chế quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng và chất lượng học
tập của cán bộ, công
chức, viên chức, Quy
định về luân chuyển cán bộ, Quy định về trách nhiệm và xử lý trách
nhiệm đối với cấp
trưởng, cấp phó cơ quan, đơn vị, Quy chế đánh giá đối với tập thể lãnh đạo, quản lý; sửa
đổi, bổ sung Quy định phân cấp quản lý cán bộ, Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới
thiệu cán bộ ứng cử, Quy chế tuyển dụng công chức, viên chức.
6- Ưu tiên đầu tư ngân sách và huy động nguồn lực xã hội đầu
tư phát triển nguồn nhân lực
6.1- Xây dựng kế hoạch
vốn ngân sách hàng năm đạt từ 0,5 - 0,8% tổng chi ngân sách của tỉnh cho đầu tư
phát triển nguồn nhân lực.
6.2- Khai thác, sử dụng hiệu quả các
nguồn vốn đầu tư theo chủ trương xã hội hóa: Thu hút các nguồn vốn từ nước
ngoài (ODA, FDI...) trong lĩnh vực xây dựng cơ sở đào tạo; tạo điều kiện thuận
lợi và có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá
nhân đầu tư mở rộng, nâng cấp các cơ sở giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nghề chất
lượng cao; các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công
nghệ. Tổ chức, huy động và sử dụng có hiệu quả các loại quỹ khuyến học, khuyến
tài...; sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương đối với lĩnh vực giáo dục
và đào tạo.
Phần thứ ba
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo cơ quan, đơn vị tổ chức quán
triệt Chương trình hành động của Tỉnh ủy; căn cứ tình hình thực tế để xây dựng chương
trình, kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Chương trình này; hàng năm báo cáo
đánh giá kết quả phát triển nguồn nhân lực của địa phương, ngành, cơ quan, đơn
vị mình.
2- Ban Cán sự
đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động này; chỉ
đạo các sở, ban, ngành liên quan tham mưu xây dựng các chính sách, cơ chế… cụ
thể hóa việc triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp
Chương trình hành động của Tỉnh ủy.
3- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chỉ đạo các
phương tiện thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền sâu rộng Chương trình hành
động của Tỉnh uỷ; tham mưu tổ chức việc quán triệt Chương trình hành động ở cấp
tỉnh và hướng dẫn việc tổ chức quán triệt ở các cấp.
4- Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu xây
dựng, sửa đổi, bổ sung các Quy chế, Quy định nhằm tăng cường quản lý công tác
cán bộ; xây dựng các kế hoạch, đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...; phối hợp Ban
Cán sự đảng UBND tỉnh hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực
hiện và sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình này vào giữa và cuối nhiệm
kỳ.
|
T/M TỈNH ỦY BÍ THƯ (Đã ký) Huỳnh Tấn Việt |