Nghị quyết ĐHĐB tỉnh XVI nhiệm kỳ 2015-2020
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH ỦY về tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả Khu kinh tế Nam Phú Yên; tạo điều kiện thuận lợi để Nhà máy (18/05/2016)

TỈNH ỦY PHÚ YÊN

*

Số 04 -CTr/TU

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

                     Tuy Hòa, ngày 26 tháng 4 năm 2016

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH ỦY

về tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với thu hút đầu tư và khai thác          

hiệu quả Khu kinh tế Nam Phú Yên; tạo điều kiện thuận lợi để Nhà máy
lọc hóa dầu Vũng Rô hoàn thành và đưa vào hoạt động
-----------

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động về tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả Khu kinh tế Nam Phú Yên; tạo điều kiện thuận lợi để Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô hoàn thành và đưa vào hoạt động như sau:

Phần thứ nhất
KẾT QUẢ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG KHU KINH TẾ
NAM PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2011-2015 VÀ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI DỰ ÁN NHÀ MÁY LỌC HÓA DẦU VŨNG RÔ

I- NHỮNG KẾT QUẢ CHỦ YẾU ĐẠT ĐƯỢC

1- Kết quả đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Nam Phú Yên, giai đoạn 2011-2015:

Khu kinh tế Nam Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại các Quyết định số 54/2008/QĐ-TTg ngày 28/4/2008, số 22/2010/QĐ-TTg ngày 03/3/2010 và được chọn là 1 trong 8 nhóm khu kinh tế ven biển trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020. Qua 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 24/6/2011 và Kết luận số 104-KL/TU ngày 11/7/2012 của Tỉnh ủy về đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Nam Phú Yên giai đoạn 2011-2015, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, các cấp, các ngành của tỉnh đã tập trung huy động nhiều nguồn vốn để triển khai đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, một số công trình được hoàn thành, đưa vào sử dụng như: cầu Hùng Vương; nâng cấp tuyến đường từ QL1 - ngã ba Phú Hiệp - đường dẫn cầu Đà Nông; nâng cấp mở rộng tuyến đường vào cảng Hàng không Tuy Hòa; khu tái định cư Phú Lạc, cảng cá Phú Lạc; cảng hàng không Tuy Hòa, nâng cấp sân bay Tuy Hòa đạt tiêu chuẩn 4C… góp phần hình thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng trong Khu kinh tế.

Những công trình hạ tầng giao thông quan trọng trong Khu kinh tế như: Tuyến đường Quốc lộ 1 (Đông Mỹ) đến Khu công nghiệp Hòa Hiệp; tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà (đoạn qua Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô); tuyến đường Phú Khê (Quốc lộ 1) đến Phước Tân (Khu công nghiệp Hòa Tâm); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Phú Yên, hầm đường bộ qua Đèo Cả, kè chống xói lở ven biển khu vực Xóm Rớ… đã triển khai đầu tư tạo diện mạo mới cho Khu kinh tế.

Tuy nhiên, còn một số dự án, công trình kết cấu hạ tầng trong Khu kinh tế mà chủ yếu là do doanh nghiệp làm chủ đầu tư chưa được triển khai như: Nâng cấp cảng Vũng Rô đảm bảo tiếp nhận tàu 5.000 DWT; dự án đầu tư kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm gắn với đầu tư cảng Bãi Gốc... (Phụ lục 1)

2- Tình hình triển khai dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô:

Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư với quy mô điều chỉnh lần thứ hai: công suất nhà máy 8 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư gần 3,2 tỷ USD, diện tích đất 1.207 ha (gồm 538 ha trên cạn và 669 ha mặt biển). Trong thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã nỗ lực phối hợp với nhà đầu tư triển khai hoàn thành cơ bản các thủ tục chuẩn bị để khởi công xây dựng nhà máy.

Tháng 9/2014, đã tổ chức lễ động thổ. Đến nay, cơ bản hoàn tất việc đo đạc địa chính, khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn toàn bộ dự án; xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 bãi thải vật liệu; thỏa thuận thông số quy hoạch khu vực nhà máy, cảng biển Bãi Gốc và bãi thải vật liệu; khảo sát lựa chọn các mỏ vật liệu phục vụ cho việc thi công xây dựng; ứng kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn; thi công mặt bằng cảng Bãi Gốc; hoàn thiện thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) và đang xúc tiến đàm phán với các đối tác về giá hợp đồng EPC.

Thực hiện xong công tác bồi thường và bàn giao mặt bằng khu vực cảng Bãi Gốc với diện tích 134 ha cho nhà đầu tư và đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng. Riêng đối với khu vực xây dựng nhà máy với diện tích 404 ha, dự kiến sẽ hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong quý II/2016 và bàn giao cho nhà đầu tư để sớm khởi công xây dựng nhà máy trong năm 2016.

Chính phủ đã chấp thuận các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cho nhà máy; cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng dùng chung, hạ tầng ngoài hàng rào dự án sử dụng nguồn thuế nhà thầu nước ngoài, bổ sung nguồn lực quan trọng để góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho Khu kinh tế.

II- HẠN CHẾ, YẾU KÉM VÀ NGUYÊN NHÂN

1- Hạn chế, yếu kém:

            Chưa huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng Khu kinh tế theo kế hoạch đề ra, nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng Khu kinh tế chủ yếu vẫn là nguồn lực của nhà nước, việc huy động vốn ngoài ngân sách còn ít. Hệ thống kết cấu hạ tầng Khu kinh tế vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, là rào cản lớn trong thu hút đầu tư.

            Thời gian qua chủ yếu tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, chưa quan tâm đầu tư đúng mức đến hạ tầng xã hội. Sự phối hợp giữa các chủ đầu tư có dự án trong Khu kinh tế chưa tốt làm ảnh hưởng đến tính đồng bộ và tính kết nối.

            Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư còn kéo dài, nhất là giai đoạn 2 dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các dự án, như: Tuyến đường Phước Tân - Bãi ngà, đoạn qua Nhà máy lọc dầu Vũng Rô; tuyến nối Quốc lộ 1 (Phú Khê) đi Khu công nghiệp Hòa Tâm (Phước Tân); tuyến nối QL1 (Đông Mỹ) đến Khu công nghiệp Hòa Hiệp - giai đoạn 1…

Việc tổ chức xúc tiến đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm, kết quả đạt thấp; công tác cải cách hành chính, cải tiến lề lối làm việc để thu hút đầu tư vào Khu kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu, các chỉ số PCI, PAPI còn ở mức thấp.

            Tiến độ triển khai thực hiện dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô còn chậm, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư các ngành phụ trợ.

            2- Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém:

Ban Quản lý Khu kinh tế thời gian qua chưa thực sự năng động trong việc tham mưu cho tỉnh triển khai các giải pháp hiệu quả trong xúc tiến, thu hút đầu tư; bộ máy tổ chức làm việc chưa đạt hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Chậm tham mưu ban hành cơ chế, chính sách nhằm khai thác và huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các nguồn lực xã hội để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư.

Một số cơ quan có liên quan chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra, giám sát cũng như giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của dự án, nhất là trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành có liên quan trong việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong Khu kinh tế chưa tốt.

Chưa xác định cụ thể khu vực trọng điểm cần tập trung đầu tư để giải phóng mặt bằng, đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, nhằm thu hút dự án đầu tư, tạo động lực và sức hút cho Khu kinh tế.

Những tồn tại, vướng mắc đối với Công ty Cổ phần Hiệp Hòa Phát đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm, đã ảnh hưởng đến xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế.

Phần thứ hai
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

I- MỤC TIÊU

1- Tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng để đến năm 2020, cơ bản hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, bao gồm đường giao thông chính đối nội và đối ngoại, cảng biển, cấp điện, nước và hạ tầng thiết yếu khác, nhất là hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào, hạ tầng dùng chung của Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô, tăng cường công tác thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả Khu kinh tế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tiến tới thu hẹp khoảng cách phát triển với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

2- Phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô khởi công trong năm 2016 và đưa nhà máy đi vào hoạt động vào cuối nhiệm kỳ, góp phần tạo thế và lực mới cho tỉnh trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

 

II- NHIỆM VỤ

1- Đối với các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước:

Tích cực làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để ưu tiên bố trí vốn đầu tư triển khai các dự án, như: Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô, hoàn thành trong quý II năm 2016; dự án hạ tầng Khu tái định cư xã Hòa Tâm, hoàn thành trước năm 2018; tuyến nối Quốc lộ 1 đến khu xử lý nước thải và chất thải nguy hại của Khu kinh tế và dự án Hạ tầng nhà ở cho công nhân, hoàn thành trước năm 2020. Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2017 các dự án như: Tiểu dự án 2, 3 thuộc dự án Hạ tầng Nam TP Tuy Hòa đến cảng Vũng Rô; tuyến nối Quốc lộ 1 (Đông Mỹ) đến Khu công nghiệp Hòa Hiệp; tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà; tuyến nối Quốc lộ 1 (Phú Khê) đi Khu công nghiệp Hòa Tâm (Phước Tân); kè chống xói lở bờ Nam hạ lưu sông Đà Rằng; kè chống xói lở ven biển khu vực xóm Rớ.

2- Đối với các công trình, dự án hạ tầng dùng chung Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô và Khu công nghiệp Hòa Tâm sử dụng nguồn thuế nhà thầu nước ngoài:

Tích cực phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH dầu khí Vũng Rô để huy động nguồn thu thuế nhà thầu nước ngoài triển khai các dự án, như: Dự án nạo vét lần đầu thuộc cảng Bãi Gốc; dự án đê chắn sóng thuộc cảng Bãi Gốc; dự án quy hoạch và đầu tư hạ tầng khu hành chính cảng Bãi Gốc; kênh thoát lũ khu công nghiệp lọc hóa dầu Hòa Tâm, đảm bảo hoàn thành trước năm 2020.

3- Đối với các dự án, công trình huy động nguồn vốn đầu tư khác:

Tăng cường công tác xúc tiến, hợp tác đầu tư nhằm huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng, công bố danh mục các dự án gọi vốn ưu tiên đầu tư, nhất là các công trình, dự án thực hiện theo hình thức hợp tác công tư như: Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng một số khu chức năng của Khu kinh tế; dự án hạ tầng Khu đô thị Nam thành phố Tuy Hòa; dự án nhà ở xã hội Nam Hùng Vương; dự án nâng cấp cảng Vũng Rô đảm bảo tiếp nhận tàu 5.000 DWT; dự án Nhà máy cấp nước cho Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô và Khu kinh tế Nam Phú Yên; nhà máy xử lý rác thải và nước thải tập trung trong Khu Kinh tế… (Phụ lục 2)

4- Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư:

Tích cực chỉ đạo các cơ quan có liên quan của tỉnh kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, nhất là khu vực 404 ha của dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô.

III- CÁC NHÓM GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo:

- Các cấp ủy đảng, chính quyền quán triệt sâu rộng về tầm quan trọng của đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với thu hút và khai thác hiệu quả Khu kinh tế Nam Phú Yên. Tăng cường sự lãnh đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành đối với Khu kinh tế Nam Phú Yên và dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô.

- Phân công, phân nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan, để thúc đẩy nhanh đầu tư kết cấu hạ tầng và đưa Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô đi vào hoạt động.

- Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để vừa tranh thủ nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng của Trung ương, vừa góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô sớm hoàn thành thủ tục đầu tư, triển khai xây dựng và đưa nhà máy đi vào hoạt động.

- Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân hưởng ứng tích cực, chấp hành thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng, phát triển Khu kinh tế trên địa bàn.

2- Cơ chế chính sách tạo động lực thúc đẩy Khu kinh tế Nam Phú Yên phát triển:

- Cập nhật, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên phù hợp với thực tế và yêu cầu thu hút các dự án đầu tư trong giai đoạn tới, trong đó có tính đến tác động của dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô và việc nâng cấp huyện Đông Hòa lên thị xã trước năm 2020.

- Lựa chọn phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng một số khu chức năng trong Khu kinh tế phù hợp với tình hình thực tế để làm cơ sở thu hút đầu tư, như: khu phi thuế quan, các khu công nghiệp, khu thương mại - dịch vụ, khu đô thị Nam thành phố Tuy Hòa, khu dân cư.

- Xây dựng bảng giá đất và phương pháp xác định giá đất để giao đất, cho thuê đất cho các doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo giá đất sản xuất kinh doanh ở Phú Yên phải thấp hơn hoặc tối đa là bằng các tỉnh trong khu vực và được công khai giá đất ngay từ đầu năm, tạo sự cạnh tranh và hấp dẫn các nhà đầu tư. Đồng thời, phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian lập thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư.

- Đối với những dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhà đầu tư thực sự có tiềm lực và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý thì xem xét cho phép nhà đầu tư vừa triển khai đầu tư xây dựng dự án, vừa lập và hoàn chỉnh thủ tục đầu tư.

- Ưu tiên cân đối nguồn vốn để tạo quỹ đất sạch, nhằm tăng cường thu hút đầu tư, trước mắt lựa chọn phần còn lại của Khu công nghiệp lọc hóa dầu Hòa Tâm với diện tích khoảng 585 ha để tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hóa dầu.

- Thực hiện chính sách ưu đãi đặc thù cao hơn mức ưu đãi chung đối với các dự án đầu tư lớn, dự án động lực, dự án có số nộp ngân sách lớn, dự án có hàm lượng công nghệ cao trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương thực hiện.

- Giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến việc thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty Cổ phần Hiệp Hòa Phát chậm nhất trong quý II/2016, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thu hút các dự án đầu tư khu công nghiệp lọc hóa dầu Hòa Tâm.

3- Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, gắn với thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả Khu kinh tế Nam Phú Yên và Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô:

- Xây dựng danh mục dự án hạ tầng ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020 để tạo điều kiện thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành, huy động và phân bổ nguồn vốn đầu tư. Theo đó, ưu tiên hoàn chỉnh và đưa vào khai thác: Trục giao thông chính, khu tái định cư, hệ thống cấp điện, cấp nước, cảng và hậu cần cảng, hạ tầng ngoài hàng rào các khu chức năng, khu dịch vụ logistic, trung tâm thương mại...

- Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để sớm triển khai và hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng chính (giao thông, đê kè, thủy lợi, khu tái định cư, nhà ở công nhân, khu xử lý nước thải, bồi thường giải phóng mặt bằng) từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương (theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung chủ yếu là từ Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển và cơ chế chính sách đầu tư đối với khu kinh tế trọng điểm); nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn ODA...

- Phối hợp với Công ty TNHH dầu khí Vũng Rô xây dựng tiến độ ưu tiên và hoàn tất các thủ tục để triển khai các dự án, công trình hạ tầng dùng chung được đầu tư theo cơ chế từ nguồn thuế nhà thầu nước ngoài phục vụ cho Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô và các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên.

- Lựa chọn một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có khả năng thu hồi vốn (nhà ở xã hội, cấp nước, cấp điện, hạ tầng khu chức năng) để thu hút các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài theo hình thức hợp đồng PPP. Tập trung vốn ngân sách tỉnh để bố trí nguồn vốn đối ứng cho các dự án đầu tư theo hình thức này và các dự án ODA.

- Hoàn thành việc chuyển đổi Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô thành Công ty cổ phần để thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư nâng cấp cảng Vũng Rô theo quy hoạch được duyệt (mở rộng cầu cảng tiếp nhận tàu đến 5.000 DWT, khu hậu phương, nâng năng lực xếp dỡ hàng hóa lên 1 triệu tấn/năm...), sớm đưa vào khai thác trong năm 2017, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và Khu kinh tế Nam Phú Yên.

- Tập trung xúc tiến, thu hút nhà đầu tư để triển khai Khu đô thị Nam thành phố Tuy Hòa với các hình thức đầu tư đa dạng, phân kỳ đầu tư hợp lý, thuận lợi cho việc triển khai dự án của nhà đầu tư. Trước mắt, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng có năng lực để triển khai các hạng mục hạ tầng kỹ thuật chính (Trục giao thông chính, bồi thường, san lấp mặt bằng, hệ thống thoát nước...) theo hình thức hợp đồng PPP có phần vốn nhà nước tham gia; các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản theo Luật kinh doanh bất động sản. Có chính sách hỗ trợ về thời gian nộp tiền sử dụng đất cho nhà đầu tư, cho phép nộp tiền sử dụng đất thành nhiều kỳ.

4- Tăng cường quản lý nhà nước, kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp:

- Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong Khu kinh tế Nam Phú Yên thông qua việc xây dựng, ban hành quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý khu kinh tế Phú Yên với các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan.

- Tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính (lồng ghép, kết hợp quy trình thủ tục, cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục...), tạo điều kiện để rút ngắn tối đa thời gian lập thủ tục của nhà đầu tư.

- Thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác đặc biệt có thẩm quyền, trách nhiệm rõ ràng để tập trung chỉ đạo điều hành đối với một số dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là đối với dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô. Trong đó chú trọng đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng các dự án (cơ quan thường trực của ban chỉ đạo, tổ công tác là Sở Tài nguyên & Môi trường).

- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, phối hợp và tạo điều kiện để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của Nhà đầu tư, nhất là các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo các dự án sớm hoàn thành theo tiến độ được duyệt. Hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

- Tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm và thái độ trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước liên quan đến Khu kinh tế. Thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, kịp thời tuyên dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt và kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm. Định kỳ tổ chức sơ, tổng kết để đánh giá những kết quả đạt được, những việc chưa làm được, đề ra biện pháp thực hiện trong thời gian tới.

- Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý, xây dựng, vận hành, khai thác các công trình kết cấu hạ tầng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng.

5- Tạo điều kiện thuận lợi để Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô hoàn thành và đưa vào hoạt động:

- Tăng cường chỉ đạo các sở, ngành tỉnh hỗ trợ UBND huyện Đông Hòa giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, kịp thời bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư chậm nhất trong quý II/2016.

- Sớm hoàn tất các thủ tục đầu tư có liên quan để triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào, hạ tầng dùng chung và các công trình có liên quan đến dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô trong quý II/2016 nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong Khu kinh tế Nam Phú Yên.

- Làm việc với Công ty TNHH dầu khí Vũng Rô về tiến độ triển khai xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô, qua đó xây dựng kế hoạch cụ thể để hỗ trợ triển khai dự án như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động và các dịch vụ hỗ trợ khác phục vụ cho dự án.

- Đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn về cơ sở vật chất, tài sản, máy móc trong quá trình xây dựng, hoạt động của các dự án; đảm bảo an ninh, an toàn cho các chuyên gia, nhà đầu tư, nhất là chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài.

- Định kỳ làm việc với nhà đầu tư để nắm bắt tình hình triển khai thực hiện, các khó khăn, vướng mắc của dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô để kịp thời có biện pháp tháo gỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động vào cuối nhiệm kỳ.

Phần thứ ba
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

            1- Các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở tổ chức quán triệt thực hiện Chương trình này, đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với cấp, ngành mình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả.

            2- Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền trong Khu kinh tế xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và kịp thời điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả cao nhất; định kỳ tham mưu Tỉnh ủy sơ, tổng kết việc thực hiện.

3- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo việc tuyên truyền, quán triệt Chương trình hành động của Tỉnh ủy đến cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.

4- Thành ủy Tuy Hòa, Huyện ủy Đông Hòa, Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình có kế hoạch phối hợp thực hiện tốt Chương trình hành động này.

            5- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện Chương trình này.

 

 

T/M TỈNH ỦY

BÍ THƯ

(Đã ký)

 

Huỳnh Tấn Việt

 

Tin đã đưa

GIỚI THIỆU PHÚ YÊN

Video clip

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Thư viện ảnh

Liên kết các website