Sở Kế hoạch và Đầu tư - tỉnh Phú Yên
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai

Chuyên mục: Tin khác | Đăng ngày: 25/09/2020

    Ngày 8/9/2020, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (30/9/1910 - 30/9/2020), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trân trọng giới thiệu toàn văn Đề cương.

 

5

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai – một trong những cán bộ kiên cường lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, tháng 11 năm 1940.

I. KHÁI LƯỢC THÂN THẾ, CUỘC ĐỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THỊ MINH KHAI


Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (tên thật là Nguyễn Thị Vịnh), sinh ngày 30/9/1910, tại xã Vịnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Năm 1919, Nguyễn Thị Vịnh theo học chữ quốc ngữ tại trường Nguyễn Trường Tộ, sau đó chuyển sang trường Tiểu học Cao Xuân Dục. Tại đây, Nguyễn Thị Vịnh được thầy giáo Trần Phú và các thầy cô giáo trong trường dìu dắt nên sớm giác ngộ cách mạng và bắt đầu tham gia các phong trào yêu nước.
         
Năm 1926, Nguyễn Thị Vịnh tích cực tham gia phong trào đấu tranh tại Vinh, vận động nữ sinh tham gia bãi khóa, tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Năm 1927 (khi mới 17 tuổi), Nguyễn Thị Vịnh gia nhập Việt Nam Cách mạng đảng, lấy tên là Nguyễn Thị Minh Khai.
         
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng. Tháng 3 năm 1930, Đồng chí được cử sang Hương Cảng (Trung Quốc), công tác ở Văn phòng chi nhánh Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, nhận nhiệm vụ liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam ở trong nước.
         
Từ năm 1931 - 1933, Đồng chí bị bọn mật thám Anh ở Hương Cảng bắt giam rồi chuyển giao cho chính quyền Quảng Châu cầm tù. Ra tù, Đồng chí tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng và đến Thượng Hải công tác trong Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương.
         
Từ ngày 25/7 đến ngày 21/8/1935, Đồng chí là đại biểu chính thức tham dự và phát biểu tham luận tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva. Trong thời gian từ năm 1935 đến năm 1936, Đồng chí tham gia khóa học ngắn hạn tại Trường Đại học Phương Đông; đầu năm 1937, Đồng chí được phân công về công tác tại Sài Gòn và được cử vào Xứ ủy Nam Kỳ, là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
         
Ngày 30/7/1940, sau khi dự phiên họp Xứ ủy Nam Kỳ bàn về chủ trương khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn - Sài Gòn, bị tra tấn hết sức dã man. Sáng ngày 28/8/1941, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng với một số đồng chí khác bị giặc đem ra xử bắn ở Hóc Môn.
         
II. NHỮNG CỐNG HIẾN TO LỚN CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THỊ MINH KHAI VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ ĐẤT NƯỚC
         
1. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, có nhiều đóng góp trong thời kỳ vận động thành lập Đảng
         
Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 11/11/1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, Trung Quốc, bắt đầu mở các lớp tập huấn, đào tạo cán bộ, chuẩn bị cho sự ra đời của đảng tiên phong lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Sau khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời, một số chí sĩ nho học Trung Kỳ đã thành lập Hội phục Việt, tập hợp, đoàn kết các lực lượng yêu nước, tiến bộ làm cách mạng, đánh Pháp, đuổi giặc và bè lũ vua quan bán nước. Công tác vận động học sinh tham gia hoạt động cách mạng tại các trường ở Vinh như: Trường tiểu học Cao Xuân Dục, Nguyễn Trường Tộ… được chú trọng, có tác dụng tuyên truyền lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc. Thời gian này, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đang học tập tại trường Tiểu học Cao Xuân Dục, được sự giúp đỡ, dìu dắt, giác ngộ tinh thần yêu nước của thầy cô giáo là hội viên Hội phục Việt, Đồng chí đã tham gia vào các hoạt động của Hội Tu thân - tổ chức thanh niên, học sinh do thầy Trần Phú tổ chức. Do tham gia tích cực các hoạt động cách mạng, năm 1927, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng đảng, được giao nhiệm vụ phụ trách công tác vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên mới ở khu vực Vinh - Bến Thủy và hai huyện Nghi Lộc, Thanh Chương. Nhờ hoạt động tuyên truyền vừa mềm dẻo, vừa sâu sát trong giới phụ nữ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã vận động, kết nạp được thêm nhiều phụ nữ vào Việt Nam cách mạng đảng và sau nay họ trở thành những cán bộ nòng cốt, giữ các vị trí quan trọng của phong trào cách mạng. Số lượng chị em tham gia phong trào cách mạng ngày một gia tăng, phong trào đấu tranh của nữ công nhân Vinh - Bến Thủy ngày càng sôi nổi hơn.
         
Cuối năm 1927, đầu năm 1928, ở khu vực Vinh - Bến Thủy phong trào đấu tranh của công nhân bùng lên mạnh mẽ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí trong Hội đã tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền cách mạng, dạy học ban đêm… cho công nhân và bồi dưỡng những thành phần cốt cán để kết nạp vào Hội. Đồng chí tích cực xuống các làng xã xung quanh thành phố Vinh (Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu) tìm hiểu đời sống, tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân, vận động thành lập Nông hội. Hoạt động tích cực của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí trong tổ chức Việt Nam Cách mạng đảng đã góp phần lớn cho phong trào cách mạng ở Vinh mạnh lên. Đây là những bước chuẩn bị rất quan trọng trong giai đoạn xây dựng hệ thống cơ sở đảng và các tổ chức quần chúng của Đông Dương Cộng sản Đảng; góp phần vào việc hợp nhất các tổ chức đảng, thành lập chính đảng duy nhất nhằm tập hợp lực lượng đấu tranh, đồng thời tổ chức được nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cho Đảng - lực lượng nòng cốt của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
         
Từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã họp ở bán đảo Cửu Long (Hồng Kông) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, thống nhất lấy tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua các văn kiện: chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt, điều lệ vắn tắt. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng ta, đứng trên lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin, lập trường giai cấp vô sản đấu tranh chống đế quốc xâm lược, đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
         
2. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - Người chiến sỹ cách mạng kiên trung, bất khuất
         
Khi phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng, trong điều kiện thực dân Pháp và bọn mật thám tăng cường các hoạt động truy lùng, vây bắt nhằm đàn áp phong trào cách mạng, nhưng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai không hề run sợ. Với bản lĩnh chính trị vững vàng và tài trí thông minh, giỏi ứng biến, Đồng chí luôn đi đầu trong công tác vận động quần chúng đấu tranh và huấn luyện, đào tạo cán bộ cho Đảng.
         
Khi đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị mật thám Anh ở Hương Cảng bắt, nhưng với tinh thần của chiến sỹ cộng sản, Đồng chí đã khẳng định ý chí kiên cường, đanh thép, nguyện hy sinh bản thân mình vì lý tưởng cộng sản, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Mặc dù kẻ thù dùng mọi thủ đoạn, từ dụ dỗ, mua chuộc đến tra tấn, đánh đập, nhưng Đồng chí vẫn không một lời khai báo để bảo vệ phong trào cách mạng và tổ chức cơ sở Đảng.
         
Cách mạng Việt Nam trong những năm 1931 - 1933 ở thời kỳ thoái trào, cơ quan của Đảng từ Trung ương đến cơ sở ở trong nước gần như không hoạt động được do kẻ thù khủng bố gắt gao. Cùng với các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Dựt, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vẫn kiên trì hoạt động, giữ vững tinh thần để nhen nhóm lại ngọn lửa cách mạng, vượt qua khó khăn gian khổ, hy sinh để hoàn thành trọng trách mà cách mạng Việt Nam và Quốc tế Cộng sản giao phó là khôi phục phong trào cách mạng Việt Nam, lập lại các cơ quan lãnh đạo của Đảng trong những năm cách mạng gặp vô vàn khó khăn.
         
Giữa năm 1937, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai về Sài Gòn hoạt động, làm việc tại cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ, được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhận nhiệm vụ mới, hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn do sự truy lùng, vây bắt của kẻ thù, nhưng Đồng chí vẫn luôn bám sát cơ sở, lãnh đạo phong trào phát triển mạnh mẽ. Với tinh thần và thái độ làm việc nghiêm túc, hiệu quả và mang tính nhân văn sâu sắc, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai nhận được sự tin yêu của nhiều đồng chí hoạt động cách mạng cùng thời. Đồng chí là một Xứ ủy viên với tầm hiểu biết rộng, đúc kết và chỉ đạo vấn đề từ thực tiễn rất nhanh và nói thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Quảng Đông. Trong cuộc đấu tranh thành lập Mặt trận dân chủ chống chiến tranh và chống Phát xít ở Sài Gòn những năm 1938 - 1939, Đồng chí đã sát cánh cùng đồng chí Lê Hồng Phong chuẩn bị các báo cáo ở hội nghị cũng như trong cuộc bút chiến trên Báo Dân chúng… Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là diễn giả xuất sắc của nhiều buổi mít tinh lớn ở các rạp hát trong thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, đấu tranh với các luận điệu của bọn Tờ-rốt-xkít, bảo vệ quan điểm của Đảng.
         
Ngày 30/7/1940, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị mật thám Pháp bắt và giam ở bốt Catina, sau đó là Trại giám Phú Mỹ (Sài Gòn). Biết đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là nhân vật quan trọng nên kẻ thù đã giam Đồng chí vào trong phòng tối có treo chiếc sọ người ở giữa, dùng đủ cực hình để tra tấn dã man như “lộn mề gà”, “máy bay lên sàn”, “máy bay xuống sân”, đóng đinh vào đầu ngón tay…, nhưng Đồng chí vẫn cương quyết không khai ra tổ chức và các đồng chí cùng hoạt động, một mực khẳng định: “việc này tao lãnh đạo, tao chủ trương, tao làm”. Chúng tiếp tục giở những đòn tra tấn hiểm độc nhưng vẫn không thể lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường, sắt thép của nữ chiến sĩ cộng sản.
         
Biến nhà tù thành trường học cách mạng, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tranh thủ mọi điều kiện để học tập nâng cao trình độ từ các đồng chí bạn tù, đồng thời ra sức tuyên truyền cách mạng đối với những người lầm đường lạc lối trở về với gia đình, dân tộc và tìm theo cách mạng.
         
Để giành được độc lập, tự do cho dân tộc, vợ chồng người chiến sỹ cộng sản kiên trung Nguyễn Thị Minh Khai - Lê Hồng Phong đã gác tình riêng vì nghĩa lớn, nguyện hy sinh bản thân cho lý tưởng cộng sản.
         
Bị giam hãm trong nhà tù, nhưng với cương vị Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vẫn tìm mọi cách liên lạc với bên ngoài, để tiếp tục lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Sau khi cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ bị khủng bố, tòa án thực dân buộc Đồng chí nhận tội danh lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ và kết án tử hình. Trước tòa thực dân, Đồng chí dõng dạc, đanh thép khẳng định: “Nước của tôi, cứu nước là có tội, cướp nước là không có tội sao?”.
         
Không khuất phục được người chiến sỹ cộng sản, sáng ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí lãnh tụ kiên trung của Đảng như: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến,… xử bắn tại ngã tư Giềng Nước (nay là trước sân Bệnh viện huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh).
         
Trước pháp trường, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hướng về phía đồng bào, nói những lời tâm huyết: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn Tổ quốc tôi được độc lập, dân tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng. Chúng tôi không có tội gì”.
         
Phút cuối cùng của cuộc đời, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vẫn đau đáu trong lòng nhiệm vụ với Đảng, với Tổ quốc, vẫn một lòng mong muốn cho dân tộc Việt Nam có độc lập, tự do. Tấm gương hy sinh anh dũng, kiên cường của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, viết lên bản anh hùng ca bất diệt của toàn thể dân tộc Việt Nam và trở thành tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời cho các thế hệ noi theo. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.
         
3. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai với phong trào cách mạng của Quốc tế Cộng sản
         
Giữa năm 1930, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được sự tín nhiệm và giới thiệu của Xứ ủy Trung Kỳ, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Phong Sắc chuyển ra hoạt động tại Bắc Kỳ và sau đó tiếp tục sang hoạt động ở Quảng Châu, Trung Quốc. Đồng chí công tác tại Văn phòng Ban Đông Phương của Quốc tế Cộng sản. Đây là một mốc quan trọng trên con đường hoạt động cách mạng của Đồng chí, hướng Đồng chí sớm đến với Quốc tế Cộng sản - tổ chức quan trọng nhất thế giới lúc bấy giờ.
         
Tại môi trường hoạt động mới, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được giao nhiệm vụ liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam trong nước. Với niềm tin mãnh liệt, trí thông minh và thực tiễn hoạt động trong nước, Đồng chí rất nhanh quen với công việc mới và có nhiều tiến bộ. Hàng ngày, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vừa tích cực công tác, vừa tranh thủ học tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp để phục vụ công tác. Đồng chí tích cực trau dồi lý luận cách mạng và kinh nghiệm đấu tranh quốc tế, đặc biệt phong trào đấu tranh của phụ nữ trong công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng phụ nữ.
         
Giữa năm 1931, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị đặc vụ Quốc dân Đảng Trung Quốc ở Hồng Kông bắt giam. Nhờ vào sự vận động, can thiệp và đấu tranh của Quốc tế Cứu tế Đỏ, Đồng chí được trao trả tự do sau hơn hai năm bị tra tấn dã man của kẻ thù. Ra tù, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tìm cách liên lạc với Đảng và hoạt động trong Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Đến giữa năm 1935, Đồng chí được cử tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tại Mátxcơva (Liên Xô cũ).
         
Tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, phiên họp thứ 40, ngày 16/8/1935, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã phát biểu tham luận với nội dung chính sau: nêu lên vấn đề mâu thuẫn giai cấp và tương quan lực lượng ta - địch trong đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Dương; nêu ra những thành công và hạn chế trong công tác vận động và lãnh đạo binh lính thời gian qua; vấn đề đoàn kết quốc tế để bảo vệ phong trào cách mạng ở Đông Dương, bảo vệ Liên bang Xô Viết như một nhiệm vụ của những người cộng sản Đông Dương. Bài tham luận của nữ đồng chí trẻ (25 tuổi) đã gây sự chú ý của các đại biểu tham dự Đại hội và được đánh giá cao.
         
Tại Đại hội lần thứ VI Quốc tế Thanh niên Cộng sản (tháng 9 đến tháng 10/1935), đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã có bài tham luận về tình hình, hoạt động và những nhiệm vụ trước mắt của Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương. Đồng chí đã nêu khái quát về tình hình thanh niên Đông Dương, những khó khăn và hạn chế của họ và đề ra những nhiệm vụ trước mắt gồm: thanh niên phải thâm nhập vào các nhà máy, đồn điền, làng xã, trường học; phải thành lập các câu lạc bộ thanh niên; phải dẫn dắt, giáo dục thanh niên theo tinh thần đấu tranh cách mạng; phải thiết lập mối quan hệ giữa thanh niên Đông Dương với các tổ chức thanh niên quốc tế và đặc biệt phải chú ý đến quần chúng nữ thanh niên.
         
Thông qua những hoạt động tại các hội nghị quốc tế, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã nêu bật được tình cảnh ở thuộc địa, bản chất bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc; vai trò của phụ nữ và thanh niên trong cách mạng giải phóng dân tộc; khẳng định cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc ở Đông Dương phải được khơi dậy bằng truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa của dân tộc, phải phát huy được mọi tầng lớp trong xã hội tham gia, lấy công - nông làm gốc, do giai cấp công nhân lãnh đạo.
         
4. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai với sự nghiệp giải phóng phụ nữ

Trong quá trình học tập tại trường Tiểu học Cao Xuân Dục, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã tích cực tham gia các hoạt động yêu nước của Tổ nữ sinh yêu nước. Đồng chí đã tích cực tham gia phong trào vận động nữ sinh góp tiền mua hoa và vải trắng may băng tang đi dự lễ truy điệu nhà chí sỹ yêu nước Phan Châu Trinh, tham gia ký tên vào bản yêu sách đòi thực dân Pháp trả tự do cho Phan Bội Châu.
         
Khi được kết nạp vào Việt Nam Cách mạng đảng, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là người phụ nữ đầu tiên gia nhập Hội và được phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên mới. Nhờ đó, nhiều chị em khu vực thành phố Vinh được giác ngộ, được trực tiếp Đồng chí huấn luyện. Nhiều người sau này trở thành cán bộ nòng cốt cho phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
         
Năm 1935, với tư cách là đại biểu nữ trong đoàn đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã thể hiện niềm tự hào to lớn khi được vinh dự đại diện cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam dưới ách áp bức của thực dân, phong kiến nói lên tiếng nói tại một diễn đàn quốc tế. Trong bài tham luận, Đồng chí thể hiện mong muốn đại biểu các đảng cộng sản của các nước hiểu được nỗi thống khổ cùng cực của phụ nữ lao động các dân tộc Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, đồng thời khẳng định sự tin tưởng vào tinh thần đấu tranh cách mạng của phụ nữ. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã lên tiếng ca ngợi tinh thần đấu tranh của phụ nữ Trung Quốc, những nữ công nhân và nông dân Đông Dương.
         
Tại một diễn đàn lớn, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ là Đại hội của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cũng mạnh dạn chỉ ra những thiếu sót của đảng cộng sản khi chưa thực sự quan tâm đúng mức đến phong trào đấu tranh của phụ nữ. Đây là lần đầu tiên người phụ nữ Việt Nam trẻ tuổi dõng dạc đọc tham luận trên diễn đàn Quốc tế Cộng sản, nói lên tình trạng của phụ nữ ở các nước thuộc địa; khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh quốc tế và bảo vệ hòa bình; đồng thời, lên tiếng đề nghị các đảng cộng sản phải có trách nhiệm trong việc phát huy vai trò của phụ nữ.
         
Với vai trò là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai luôn chú ý để phát triển phong trào đấu tranh của phụ nữ. Nhân sự kiện Ủy ban Phụ nữ ái hữu Sài Gòn - Chợ Lớn ra lời kêu gọi chị em phụ nữ đứng lên đoàn kết với nam giới sáng lập các hội tương tế ái hữu, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã viết cuốn sách giới thiệu về cuộc đấu tranh của phụ nữ quốc tế để tuyên truyền, giác ngộ nâng cao nhận thức cách mạng cho phụ nữ, nhờ đó phong trào đấu tranh của phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn ngày càng có những bước phát triển sâu rộng.
         
Trong đấu tranh với những phần tử Tờ-rốt-xkít chống lại chủ trương của ta, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã cùng với các đồng chí khác như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ tiến hành cuộc đấu tranh mạnh mẽ trên mặt trận lý luận, thường xuyên vạch mặt những phần từ Tờ-rốt-xkít trên báo Dân chúng và Lao động nhằm góp phần to lớn tăng cường sự thống nhất trong Đảng, trong đó có những bài bút chiến sâu sắc nhằm bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng về phong trào của phụ nữ.
         
Dựa trên phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử và với ngòi bút sắc sảo, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã thẳng thắn nói lên tiếng nói của giới thanh niên và phụ nữ Sài Gòn lục tỉnh trong cuộc đấu tranh chống phát xít và chống Tờ-rốt-xkít; phê phán những lý thuyết phản động của nữ sĩ Tuyết Dung đi ngược lại với chủ trương của Đảng, ngược lại với nguyện vọng của phụ nữ Việt Nam. Qua các bài báo, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã khẳng định sự gắn bó giữa phong trào đấu tranh của phụ nữ với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nhằm thay đổi chế độ xã hội hiện thời; phụ nữ cần phải nỗ lực cố gắng, tự mình vượt qua những khó khăn, những rào cản của xã hội, tham gia gánh vác công việc của quốc gia.
*
*        *
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó, khắc nghiệt nhưng tình yêu quê hương, đất nước của con người Xứ Nghệ đã hình thành tính cách và tâm hồn đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.
         
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là con đường đầy chông gai, gian khổ nhưng cũng hết sức vẻ vang. Đồng chí luôn phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, một lòng phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân, vẹn nguyên tình cảm vợ chồng, tình mẫu tử thiêng liêng, giữ vững niềm tin cách mạng và khí tiết, phẩm chất đạo đức người chiến sỹ cộng sản.
         
Tuy cuộc đời và sự nghiệp ngắn ngủi nhưng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã kịp hoàn thành nhiều công việc quan trọng của Đảng và nhân dân giao phó, để lại một tấm gương sáng về lòng yêu nước, kiên trung, bất khuất vì độc lập cho Tổ quốc, vì tự do cho nhân dân. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng cao quý của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được khắc ghi cho muôn đời sau.
                                                                                                                                        BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG
                                                         
 

Các tin cùng chuyên mục:
Chưa có thông báo mới
    Chưa có dữ liệu
  • Phú Yên - Vùng đất huyền thoại
  • HOI NGHI THI DUA CUM KHOI DHMT LAN THU V-2018
  • Phú Yên - Hợp tác đầu tư và phát triển
  • Giới thiệu Du lịch Phú Yên
  • Kỷ yếu 70 năm ngành Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên
  • Lễ khởi công KNNUD Công Nghệ Cao

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập