Sở Kế hoạch và Đầu tư - tỉnh Phú Yên
Đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực

Chuyên mục: Tin khác | Đăng ngày: 04/07/2018

Đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực

Qua 2 năm triển khai Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 12/8/2016 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016-2020, đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ và nhân dân về phát triển du lịch; các chủ trương, chính sách phát triển du lịch từng bước được thể chế hóa; các nội dung quy hoạch phát triển du lịch được thực hiện, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển du lịch.

Thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch được chú trọng, hệ thống hạ tầng tiếp tục được đầu tư, đặc biệt là đường giao thông ven biển tại các khu quy hoạch phát triển du lịch; cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ du lịch được nâng lên rõ rệt, nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh thắng cảnh được tôn tạo và khai thác có hiệu quả; các điểm du lịch, tuyến du lịch, tour du lịch được hình thành và phát triển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Tuy Hòa về tình hình thực hiện Chương trình hành động 05 của Tỉnh ủy ngày 4/6/2018. Ảnh minh họa

Trong giai đoạn 2016 – 2018, đã thu hút khoảng 46 dự án đầu tư du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, với tổng số vốn đầu tư khoảng 43.000 tỷ đồng. Trong đó, 16 dự án du lịch đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 9.400 tỷ đồng; 27 dự án đã và đang thẩm định chủ trương đầu tư với tổng số vốn khoảng 28.400 tỷ đồng; 03 dự án cho phép tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát còn hiệu lực và một số dự án khác đang thỏa thuận địa điểm với tổng số vốn khoảng 5.200 tỷ đồng.

Số lượng cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch và các sản phẩm du lịch ngày càng tăng, từng bước đáp ứng nhu cầu về lưu trú, tham quan của du khách. Một số doanh nghiệp du lịch đã tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở lưu trú đảm bảo tiêu chuẩn loại hạng đã công nhận. Từ năm 2016 đến nay, có khoảng 20 cơ sở lưu trú xây dựng mới đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê giải khát đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới khang trang tại thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, các khu, điểm du lịch với các món ăn đặc sản tươi ngon của Phú Yên phục vụ khách du lịch.

Hoạt động lữ hành đã có sự khởi sắc, lượng khách du lịch đến Phú Yên và thu nhập từ hoạt động du lịch có bước tăng trưởng. Năm 2016, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên khoảng 1,2 triệu lượt, doanh thu khoảng 997,5 tỷ đồng, đạt 105% so chỉ tiêu Kế hoạch 119; năm 2017, tổng lượt khách hơn 1,4 triệu lượt, doanh thu khoảng 1.245 tỷ đồng, đạt 100,6% so chỉ tiêu Kế hoạch 119, tăng 25% so với năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách ước khoảng 797.500 lượt, doanh thu ước đạt 697,2 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường đóng góp quan trọng vào việc thu hút, tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa; bước đầu đã định vị thương hiệu và định hướng đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch đặt trưng: “Phú Yên – Hấp dẫn và Thân thiện”. Một số doanh nghiệp du lịch chủ động trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến, qua đó từng bước xây dựng và khẳng định được thương hiệu của mình, đồng thời góp phần trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Phú Yên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch được chú trọng, lực lượng lao động trực tiếp và gián tiếp tăng cả về số lượng và trình độ chuyên nghiệp.

Cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện đầu tư phát triển du lịch của tỉnh. Đơn cử như, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đơn vị kinh doanh du lịch, khách du lịch và cộng đồng dân cư về vai trò, nhiệm vụ phát triển du lịch và trách nhiệm bảo vệ môi trường hiệu quả chưa cao. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tuy đã có những tiến bộ nhưng hiệu quả chưa thực sự rõ nét. Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch chưa mang tính chuyên nghiệp cao, chưa xây dựng được chiến lược xúc tiến một cách bài bản.

Kết cấu hạ tầng du lịch chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Cơ sở hạ tầng giao thông về du lịch còn hạn chế, đường giao thông đến các điểm di tích, danh thắng như Gành Đá Đĩa, Hòn Yến... có quy mô nhỏ, cấp đường thấp, đi lại khó khăn; đặc biệt là hạ tầng giao thông, bến cảng, phương tiện vận chuyển du lịch đường bộ, đường thủy. Nguồn ngân sách nhà nước chi cho công tác đầu tư tôn tạo các di tích, danh thắng, công tác xúc tiến quảng bá, công tác đào tạo nguồn nhân lực... còn hạn chế.

Sự phối hợp giữa các ngành liên quan, các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và chính quyền địa phương trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Sản phẩm du lịch chưa phong phú, tại các điểm đến dịch vụ còn hạn chế, chất lượng dịch vụ chưa cao; các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí về đêm, điểm trưng bày, bán hàng lưu niệm vẫn còn ít; thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế…

Phát huy vai trò của Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh

Nhiệm vụ trong thời gian tới, UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về du lịch, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, Hiệp hội du lịch tỉnh, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của cơ quan xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch. Tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch; đầu tư xây dựng, đa dạng các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí về đêm, điểm trưng bày, bán hàng lưu niệm, góp phần tạo sự phong phú các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước;

Đồng thời, tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, phục vụ du lịch; đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống điện nước, nhà vệ sinh đạt chuẩn, bãi đậu xe để kêu gọi thu hút đầu tư các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, bán hàng lưu niệm... tại các khu di tích; nghiên cứu xây dựng cầu tàu để phát triển du lịch biển đảo; hình thành một số sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của Phú Yên tại gành Đá Đĩa, vịnh Xuân Đài…

Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố, đơn vị, doanh nghiệp du lịch để tạo thêm các sản phẩm du lịch, điểm đến hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế; chú trọng liên kết các đối tác phát triển khách du lịch quốc tế đến Phú Yên.

Ngoài ra, tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên đến năm 2030, nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng không gian, thị trường, sản phẩm, định hướng đầu tư, các giải pháp trong Quy hoạch và xác định rõ lộ trình, phân công nhiệm vụ cụ thể các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp thực hiện, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An và phát triển du lịch tỉnh Phú Yên trong thời gian tới.

Vừa qua, Đoàn công tác của Tỉnh ủy do đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn thực hiện chương trình giám sát tại một số sở ngành, địa phương về tình hình thực hiện Chương trình hành động số 05-CT/TU của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở VH-TT&DL, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế ghi nhận kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Sở VH-TT&DL thực hiện Chương trình hành động 05 của Tỉnh ủy. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, đề nghị Sở cần sớm có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở VH-TT&DL cần năng động, sáng tạo hơn nữa trong công tác tham mưu UBND tỉnh thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy, đồng thời tập trung thực hiện chương trình hành động của Sở có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện đồng bộ, có sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa, thể thao và du lịch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở cần cụ thể hóa những nội dung cụ thể trong Chương trình hành động bằng những việc làm nhỏ nhất; tôn tạo nâng cao các giá trị văn hóa từ các lễ hội đã có, đồng thời thực hiện vai trò hạt nhân của Sở trong việc liên kết với các địa phương cùng phát triển phong trào văn hóa đa dạng, tạo nên giá trị du lịch; xây dựng cơ chế để xã hội hóa nâng cao phát triển hạ tầng du lịch; có cơ chế tự chủ tài chính cho các ban trực thuộc Sở để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Yên


Các tin cùng chuyên mục:
  • Phú Yên - Vùng đất huyền thoại
  • HOI NGHI THI DUA CUM KHOI DHMT LAN THU V-2018
  • Phú Yên - Hợp tác đầu tư và phát triển
  • Giới thiệu Du lịch Phú Yên
  • Kỷ yếu 70 năm ngành Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên
  • Lễ khởi công KNNUD Công Nghệ Cao

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập